Sinh hoạt của học trò vùng cao như ở Trường THCS Trà Tập (huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam) “tự nhiên” như cây rừng giữa đất trời miền núi.
Sau buổi học, các em tập trung về căn bếp đơn sơ với nền đất còn nhão nhoẹt. Những nắm gạo trắng được bốc bỏ vào nồi. Có em không có nồi thì lấy những chiếc biđông đựng nước cũ tự chế thành nồi để nấu cơm… Bữa ăn chỉ có một món duy nhất là cơm.
Ngoài cơm, một số nam sinh Trường THCS Trà Tập vào rừng hái mớ rau lủi về ăn |
Với nhiều bạn, gói bột ngọt của em Hồ Văn Nhì (lớp 6) là cả một niềm mơ ước |
Bữa ăn của em Hồ Văn Khương, HS Trường THCS Trà Tập |
Một số em vào rừng hái rau lủi, rau má… nấu canh cho dễ nuốt. Còn em nào khá giả nhất là có được một ít muối loại hạt to hay nhúm bột ngọt. Nhiều em chỉ mong có được chai nước mắm bởi với các em đó là thứ gia vị “xa xỉ”. Sau bữa cơm đạm bạc đúng nghĩa, các em ùa ra ngoài bể nước lấy tay vộc nước lã uống ừng ực…
Sau bữa ăn, học trò nội trú ùa ra bể nước để uống |
Không có thau, em Hồ Thị Hạ trải áo quần trên nền ximăng để giặt giũ |
Thật xúc động khi khó khăn như vậy nhưng sáng sớm học trò nơi đây vẫn đều đặn tập thể dục và các kỹ năng Đội |
Từ nhà tới trường của học sinh ở đây có em đi hơn một ngày đường. Trời vùng Nam Trà My thường mưa lớn vào buổi chiều khiến gần 100 học sinh phải ở lại trường. Em Hồ Văn Tiểu (lớp 6) hồn nhiên: “Đến trường được ăn cơm gạo trắng là tụi em sướng hơn bố mẹ và các bạn ở nhà nhiều lắm”.
Số tiền chế độ dành cho học sinh miền núi hơn 100.000đ/tháng dùng để sinh hoạt, mua sách vở, quần áo… Vì thế, các giáo viên ở đây phải thường xuyên nhịn bớt khẩu phần ăn của mình để san sẻ gạo với các em.
Thầy Nguyễn Đức Yên – hiệu trưởng nhà trường – tâm sự: “Để đảm bảo cuộc sống cho các em, nhà trường phải thường xuyên đi xin gạo, áo quần… của các nhà hảo tâm giúp các em”.
Thầy Yên cho biết thêm một chi tiết xúc động: “Dù cuộc sống khó khăn vậy nhưng tình trạng học sinh bỏ học ở đây gần như không có”.
Bài, ảnh: ĐOÀN CƯỜNG / Tuoi tre
Bình luận (0)