Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng không chỉ làm việc tại các cơ sở y tế trong nước mà còn có cơ hội làm việc lâu dài ở nước ngoài với thu nhập khá cao.
Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng có cơ hội làm việc lâu dài ở nước ngoài với mức thu nhập khá cao
Theo các chuyên gia y tế, điều dưỡng là một lực lượng quan trọng không thể thiếu trong nhóm ngành y tế – sức khỏe. Hệ thống y tế cộng đồng phát triển đòi hỏi đội ngũ điều dưỡng phải có trình độ chuyên môn vững vàng.
Thu nhập cao
Không chỉ làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, điều dưỡng còn có thể làm việc ở nhiều môi trường y tế khác nhau như các trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người già, trẻ em, người khuyết tật; các trung tâm vật lý trị liệu, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm truyền thông sức khỏe, viện nghiên cứu… “Trong thời điểm này, ở một số địa phương xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 rất cần đội ngũ điều dưỡng tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến cũng như các điểm phong tỏa, cách ly tại cộng đồng… Nếu có đam mê nghiên cứu, học thuật thì có thể theo con đường giảng dạy, nghiên cứu chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách, giáo trình… Tuy nhiên, để thành công khi đi theo hướng này, người học phải trải qua một thời gian nhất định làm công tác điều dưỡng tại các cơ sở y tế”, đại diện Trường CĐ Y dược Hồng Đức cho biết.
Tại Việt Nam, mức lương dành cho đội ngũ điều dưỡng khoảng 8-16 triệu đồng/tháng, tùy vào môi trường làm việc cũng như thâm niên công tác. Theo tìm hiểu từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thu nhập của nhân viên điều dưỡng tại các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khá cao, từ 150.000-170.000 Yên/tháng (tương đương 30,6-34,6 triệu đồng/tháng, chưa kể các chính sách ưu đãi và phúc lợi khác). Còn tại Đức, mức lương điều dưỡng viên dao động từ 90-120 triệu đồng/tháng.
Những năm gần đây, ngành điều dưỡng được dự báo là một trong những ngành hút nhân lực cả thị trường lao động trong và ngoài nước. Nắm bắt nhu cầu đó, bên cạnh các trường ĐH-CĐ chuyên ngành, đa ngành, có một số trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành điều dưỡng. Nhiều trường đào tạo, mỗi năm có hàng ngàn điều dưỡng tốt nghiệp nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu về số lượng.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ trung bình điều dưỡng/10.000 dân của Việt Nam là 11,4, tức chưa bằng 1/2 so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Từ thực tế này, WHO khuyến cáo Việt Nam cần đầu tư đào tạo điều dưỡng để đáp ứng nguồn nhân lực điều dưỡng (khoảng 40.000-50.000 đến năm 2030).
“Khát” nhân lực xuất khẩu
Ở các quốc gia phát triển như Đức, Úc… và quốc gia có tỷ lệ dân số già cao như Nhật Bản hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng. Thời gian qua, Việt Nam là một trong những quốc gia được Chính phủ các nước này tin tưởng đặt hàng đào tạo và cung ứng nhân lực điều dưỡng.
Thiếu nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước và cả xuất khẩu là một thách thức lớn đối với Việt Nam, tuy nhiên, bên cạnh thách thức cũng đã mở ra cơ hội việc làm cho những ai đã, đang và sẽ lựa chọn ngành điều dưỡng để theo học. |
Thiếu nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước và cả xuất khẩu là một thách thức lớn đối với Việt Nam, tuy nhiên, bên cạnh thách thức cũng đã mở ra cơ hội việc làm cho những ai đã, đang và sẽ lựa chọn ngành điều dưỡng để theo học. Ông Lê Long Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Esuhai) cho biết trong thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Esuhai và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn 2020-2030, trong 17 nhóm ngành nghề đặt hàng tuyển dụng để cung ứng cho thị trường Nhật Bản, chuyên ngành hộ lý/điều dưỡng chiếm 4.500/tổng số 30.000 chỉ tiêu.
Trong khi đó, ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết từ năm 2018, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo và việc làm ngành điều dưỡng với Sở Y tế, Lao động và Phúc lợi TP.Yokohama (Nhật Bản). Theo đó, Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn là đơn vị được hai bên thống nhất chọn là nơi đào tạo và cung ứng nhân lực điều dưỡng. Việc ký kết hợp tác này mở ra nhiều triển vọng cho các trường nghề có đào tạo ngành điều dưỡng và là cơ hội cho sinh viên có nguyện vọng làm việc ở Nhật Bản, thị trường lao động mà Việt Nam đang hướng đến. Ông Tấn cho hay, theo biên bản hợp tác, TP.Yokohama tuyển chọn 10.000 điều dưỡng của TP.HCM đến Nhật Bản làm việc.
Hiện nay Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đang tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản khóa 10 năm 2021 với 240 chỉ tiêu. Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc (chương trình EPA) thực hiện từ năm 2012 đến nay theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (đơn vị đầu mối thực hiện chương trình này), sau 8 năm triển khai (2012-2020) đã thực hiện 9 khóa với 1.920 chỉ tiêu, trong đó có 1.340 điều dưỡng, hộ lý đã sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản. Để ứng tuyển, các ứng viên (không quá 35 tuổi) phải tốt nghiệp CĐ điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm); được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng, bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh… Ngoài các quyền lợi như được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, học tập và được trợ cấp tiền sinh hoạt phí trong thời gian học tiếng Nhật, vé máy bay, lệ phí visa…, trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật Nhật Bản, khoảng 32-38 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đạt sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn…
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)