Chương trình “Tư vấn, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức với sự đồng hành của nhiều đơn vị vừa diễn ra tại trường THPT Lạc Hồng (Q.10, TP.HCM).
Đại diện Trường Trung cấp Việt Giao tư vấn riêng cho học sinh
Ở phần hỏi – đáp, một phụ huynh lớp 9/7 thắc mắc: Có phải rớt lớp 10 công lập mới được nộp hồ sơ vào trường trung cấp? Ông Phạm Ngọc Thanh (nguyên phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) trả lời: Kỳ thi vào lớp 10 chỉ dành cho những học sinh muốn học tại các trường THPT công lập, em nào “bẻ hướng” học trung cấp, trường ngoài công lập hoặc trung tâm GDTX thì không cần phải thi. Do đó chỉ cần tốt nghiệp THCS các em được nộp hồ sơ vào trường trung cấp. Học trung cấp sau THCS các em sẽ được miễn 100% học phí theo quy định.
Ông Nguyễn Trung Nguyên (đại diện Trường Trung cấp Công nghệ Thông tin Sài Gòn – SITC cho biết, muốn học trường trung cấp, phụ huynh có thể đưa con đến trường sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời. Tại đây, các em được học 2 buổi/ngày với 5 môn văn hóa là: toán, Anh văn, ngữ văn (bắt buộc) và 2 môn tự chọn (lý, hóa hoặc sử, địa) và học nghề. Sau khi ra trường, các em sẽ nhận 2 văn bằng, gồm: giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông và bằng trung cấp. Đặc biệt, học sinh thi tốt nghiệp THPT tại trường chứ không thi chung với các bạn học tại trường THPT công lập. Vì vậy sẽ không quá áp lực, trái lại còn có nhiều thời gian để tập trung vào chuyên môn.
Ông Nguyễn Trung Nguyên (đại diện Trường Trung cấp Công nghệ Thông tin Sài Gòn – SITC) trả lời câu hỏi của phụ huynh
Trước băn khoăn của phụ huynh về hướng đi sau THCS của con em, ThS. Nguyễn Quỳnh Lâm (Phó Ban tuyển sinh Trường Trung cấp Việt Giao) chia sẻ: “Học trường nào cũng vậy, trước hết phải xác định được mình định theo nghề gì, sau đó mới tính đến việc chọn trường. Đối với những ngành nghề đòi hỏi vốn kiến thức văn hóa như: kỹ sư, bác sĩ, luật sư… thì các em nên học THPT, còn những ngành về dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, ẩm thực…) không cần học văn hóa nhiều nên học nghề là được, vừa tiết kiệm thời gian cũng như chi phí.
“Học xong trung cấp, nhà trường sẽ hỗ trợ việc làm. Em nào muốn học tiếp có thể liên thông lên cao đẳng, đại học. Ngành nào cũng cần nhân lực, nếu trong quá trình học, các em rèn luyện được kỹ năng chuyên môn, kiến thức vững vàng thì ra trường không sợ thất nghiệp” – ThS. Lâm cho biết thêm.
Tiếp theo phần hỏi – đáp, em Đỗ Toàn (lớp 9/5) hỏi: Học nghề quản trị bếp và ẩm thực tại Trường Trung cấp Việt Giao, bước sang phần thực hành có phải đóng thêm tiền?
Học sinh Trường THCS Lạc Hồng tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào lớp 10
ThS Nguyễn Quỳnh Lâm đáp: Quản trị bếp và ẩm thực là một trong năm ngành mà trường đang đào tạo. Trong thời gian học, có một số môn thực hành phải đóng thêm tiền để chi phí cho mua dụng cụ. Tuy nhiên, thực hành được thực hiện theo nhóm (một nhóm 7-10 học sinh), số tiền sẽ được chia nhỏ nên các em không phải đóng quá nhiều.
Ở góc độ tâm lý, ThS Vũ Thiện Toàn, chuyên gia tâm lý khuyên: “Việc học là việc suốt đời, do đó chúng ta phải xác đinh mình muốn học cái gì có một công việc, một cuộc sống tốt. Học trường nào không quan trọng mà hơn hết là trường đó có phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình hay không? Nếu các bạn có sự cố gắng thì con đường nào cũng có thể đi đến thành công”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)