Ở lớp lá các bé đã được làm quen với môi trường chữ viết, toán |
Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM đăng bài Đua nhau “luyện thi” vào… lớp 1 (số 647 – ra ngày 30-3-2009), chúng tôi đã nhận được phản hồi từ nhiều phía như giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục, phụ huynh. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là sai lầm…
Học kém vì… học trước chương trình
Chị Thanh (P.Tân Hưng, Q.7) kể lại: “Khi bé Tú 5 tuổi, nghe lời rủ rê của mấy chị phụ huynh có con học ở Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ B, tôi đã cho bé đi học chữ (từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30 chiều). Sau 7 tháng theo học ở nhà cô giáo Lan, bé đã học hết chương trình của môn tiếng Việt và toán lớp 1. Ngày nào cô Lan cũng chấm điểm 9, điểm 10 cho bé. Vợ chồng tôi lấy đó làm tự hào vì chắc rằng khi vào lớp 1, bé sẽ là một trong số ít những học sinh xuất sắc. Nào ngờ…”.
Những ngày đầu khi mới bước chân vào Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Q.7), bé Tú hào hứng bao nhiêu thì khi vào học chính thức bé chán nản bấy nhiêu. Hôm nào về nhà bé cũng nói với ba mẹ: “Cô giáo chỉ dạy những thứ con biết rồi. Đi học chán lắm”. Trong giờ học, bé cứ ngoái trước, nhìn sau, chọc hết bạn nọ lại phá đến kia. Kết quả là bé trở thành học sinh cá biệt.
Cứ nghĩ giáo viên “đì” con mình nên sang học kỳ II, vợ chồng chị Thanh chuyển con sang học ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7). Song cũng như ở trường cũ, sang trường mới Tú vẫn chứng nào tật nấy, chỉ thích chọc phá bạn bè chứ không muốn học… “Cho con đi học trước vừa tốn tiền, mất thời gian nhưng trên hết vẫn là làm mất đi niềm vui học tập của bé khi vào lớp 1”, chị Thanh hối hận.
Sợ con sẽ không “bơi” được khi vào lớp 1 nên sau khi bé Đan Hà “tốt nghiệp” Trường Mầm non 20-10 (Q.1), chị Phượng Hồng cho bé tới nhà cô giáo Hiếu (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) để học chữ. Đều đặn một tuần 5 buổi, từ 8 giờ đến 10 giờ sáng, bé Đan Hà mướt mồ hôi “luyện chữ” trong “lò” của cô giáo Hiếu. Sau 3 tháng học ở đây, bé đã biết đọc, biết viết chính tả, làm toán. Song, “Bé nhập học được khoảng 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm phàn nàn với tôi là bé rất ngang bướng, hay cãi lời cô. Cô kêu bé viết thế này, bé lại viết thế nọ, bé đánh vần cũng sai, cầm viết cũng sai. Sau khi biết bé đã từng đi học, cô giáo cho rằng có thể phương pháp dạy của cô giáo Hiếu sai, do không cập nhật chương trình đổi mới ở bậc tiểu học, cụ thể là lớp 1. Phải mất gần 2 tháng, cô giáo chủ nhiệm mới uốn nắn bé Đan Hà theo đúng chuẩn. Ở nhà, tôi cũng phải rèn dữ lắm”, chị Phượng cho biết.
Vào lớp 1 không cần biết chữ
Thầy Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho con đi học trước thì khi vào lớp 1 các bé sẽ bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sự bỡ ngỡ đó sẽ là động cơ giúp bé khám phá, có hứng thú trong học tập. Còn những bé học trước, khi vào học sẽ luôn có cảm giác cái này học rồi nên tỏ ra lơ là, thậm chí là chán học. Đến phần chưa được học trước, bé sẽ rất khó khăn và không biết phải bắt nhịp với các bạn trong lớp như thế nào. Theo tôi, trước khi vào lớp 1, phụ huynh chỉ cần cho bé đi học lớp lá (5 tuổi) ở trường mầm non là đủ. Ở đây các bé được làm quen với toán, chữ viết, kể chuyện. Với chương trình mới hiện nay, khoảng cách giữa lớp lá và lớp 1 là rất gần…”.
Tuy nhiên, điều mà các nhà sư phạm lo lắng hơn cả là những cô giáo ở các “lò luyện” tiền lớp 1 phần lớn đều là giáo viên không đúng chuẩn. Đó là những giáo viên đã về hưu, đã nghỉ việc cả chục năm hoặc những cô giáo tay ngang không có nghiệp vụ sư phạm. Bởi vậy, những giáo viên này sẽ cho ra “lò” những học sinh cầm viết sai, đánh vần sai, viết chữ sai…
Cả thầy Lê Ngọc Điệp và cô Nguyễn Thị Thu Vân đều nhấn mạnh rằng: Vào lớp 1 không cần phải biết chữ trước… |
Cô Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng khối Khối 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho biết: “Chương trình hiện nay có nhiều điểm mới, do vậy nếu giáo viên không cập nhật thì sẽ dạy sai. Ví dụ, trước đây chữ bánh đánh vần là a… nh.. anh… banh… sắc bánh nhưng nay đánh vần là b… anh… banh… sắc bánh; trước đây chữ a là chữ đầu tiên trong bảng chữ cái nhưng nay là chữ e. Chính tả cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn những chữ h, l, b, k là 5 ly, trước chỉ có 4 ly; chữ y, g kéo xuống 3 ly, trước chỉ kéo 2 ly. Chữ viết hoa trước đây khá đơn giản nhưng nay có nhiều nét thắt, nhiều vòng, khó viết hơn. Với môn toán, dù các phép tính cộng, trừ vẫn như trước nhưng bây giờ học sinh lớp 1 phải chú trọng đến việc ghi lời giải. Ví dụ bài toán là: Mẹ đi chợ mua 5 quả ổi, rồi mua thêm 3 quả ổi nữa. Hỏi mẹ mua mấy quả ổi? Trước đây chỉ cần trả lời là: 5 quả + 3 quả = 8 quả, nhưng nay phải trả lời: Mẹ mua 5 quả ổi + 3 quả ổi = 8 quả ổi… Giáo viên dạy sai thì học sinh sẽ học sai, do vậy khi vào học lớp 1 chính thức các em sẽ không biết nghe lời cô nào. Thực tế là đã có một số học sinh và phụ huynh thắc mắc với tôi rằng tại sao cô giáo ở lớp học thêm dạy kiểu này mà cô lại dạy kiểu khác. Thà là các em chưa biết chữ, giáo viên sẽ đỡ cực hơn nhiều, chứ các em biết mà lại biết sai thì giáo viên cực, học sinh cũng mệt”.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)