Chọn nghề đã khó, nhưng khó hơn là làm sao học tập và xây dựng được giá trị nghề nghiệp cho bản thân. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là phải chọn cho mình một ngành nghề phù hợp, gắn với năng lực và thời cuộc.
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, UEF) tư vấn cách thức chọn ngành nghề cho học sinh Trường THPT Tây Thạnh
Đây là chia sẻ được các chuyên gia đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú). Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).
Bậc học nào cũng có giá trị
Chia sẻ về những hướng đi mà học sinh THPT có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho biết có rất nhiều hướng đi như vào trường ĐH, CĐ, TCCN; lựa chọn các trường nghề, đi du học hay thậm chí làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất. Tuy nhiên, theo TS. Nghĩa, đa phần hiện nay học sinh thường lựa chọn con đường vào các trường ĐH, một phần không nhỏ lựa chọn đi du học. Còn các lựa chọn vào CĐ, TCCN hay trường nghề chiếm số lượng không nhiều… “Mỗi bậc học có những lợi thế riêng. Cụ thể như học nghề, điều kiện xét tuyển vào các trường nghề rất đơn giản, với thời gian đào tạo ngắn mà công việc sau khi học xong cũng rất dễ dàng. Trong khi đó, đi du học lại mang đến cách tiếp cận mới, những cơ hội mới và khả năng ngoại ngữ tốt. Còn ĐH, cánh cửa vào rất rộng mở với nhiều hình thức xét tuyển khác nhau từ điểm thi THPT quốc gia, điểm học bạ hay kỳ thi riêng đánh giá năng lực. Do đó, các em hãy căn cứ vào năng lực học tập của bản thân và khả năng của gia đình để lựa chọn cho mình một bậc học phù hợp. Bậc học nào cũng có giá trị hành nghề trong xã hội”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Đưa ra những thông tin hữu ích về thị trường lao động TP.HCM trong các năm tới, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết xu thế nhân lực trong thời gian tới của xã hội là cần nhân lực chất lượng cao phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tức là, người lao động không chỉ có chuyên môn vững mà còn phải có thêm các kỹ năng về giá trị nghề nghiệp. Cụ thể, người lao động phải kết hợp được nghề nghiệp với tư duy, công nghệ thông tin, ngoại ngữ.
Các kỹ năng về giá trị nghề nghiệp, theo ông Tuấn còn phải kể đến hành vi con người. “Một thái độ nghiêm túc, hành vi đúng mực… luôn luôn được đánh giá cao”, ông Tuấn nói.
Từ những chia sẻ đó, ông Tuấn cho biết xã hội trong thời đại 4.0 sẽ không còn ngành nghề “hot” mà chỉ có con người “hot”. “Mọi thứ phụ thuộc hoàn toàn vào các em. Lựa chọn ĐH, CĐ, TCCN hay trường nghề đều được, miễn sao là hợp nhất với mình. Đừng chạy theo những giá trị ảo”, ông Tuấn nhắn nhủ.
Trường “hot” không phải yếu tố quyết định công việc
Trước thắc mắc của học sinh trong trường về việc một ngành nghề nhưng có nhiều trường cùng đào tạo thì phải chăng bằng cấp của các trường “hot” sẽ quyết định giá trị công việc cao hơn? Giải đáp câu hỏi này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, UEF) cho rằng với cùng một ngành nghề mà đào tạo ở nhiều trường khác nhau thì chương trình khung giống nhau đến 70%. Còn lại 30% là yếu tố riêng, điểm mạnh riêng – cái làm nên thương hiệu của trường. “Khi xác định chính xác mình muốn theo học ngành nghề nào, các em cần liệt kê ra danh sách các trường đào tạo. Tìm hiểu thật kỹ chương trình đào tạo ngành nghề đó của trường để biết “mạnh ở yếu tố nào”. Qua đó xem bản thân mong muốn đi theo hướng nào, cùng với năng lực để lựa chọn một trường phù hợp”, ThS. Nguyên chia sẻ.
Theo ThS. Nguyên, trường “hot” hay không chỉ là một phần nhỏ. Trong câu chuyện việc làm, quan trọng vẫn là cách học của mình, năng lực của mình. Còn theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, bài toán việc làm không hẳn nằm ở phía nhà trường. Lựa chọn trường “hot” mà ngành nghề không phù hợp với bản thân thì tấm bằng cũng không có giá trị nhiều. “Thường phải đến khi đi làm, các em mới biết mình chọn sai nghề. Lúc này, vấn đề lại không nằm ở trường đào tạo nữa rồi”, bà Thảo nói.
Do vậy, theo bà Thảo, quan trọng nhất trong việc chọn nghề đó là “đừng ảo tưởng sức mạnh bản thân”. Các em phải xác định xem mình đang đứng ở đâu về năng lực học tập. Xem mình đang có cái gì, xác định mình thích điều gì. Chứ đừng hỏi rằng mình thích trường nào. “Chọn ngành nghề rồi mới đến chọn trường. Cùng một ngành nghề nhưng mỗi trường sẽ có một môi trường cũng như hướng đi khác nhau. Các em phải soi ngược lại xem có hợp với năng lực của bản thân hay không. Ở đây là năng lực sức khỏe, tài chính và cả tố chất”, bà Thảo lưu ý.
Chung nhận định, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) cho hay trong thực tế, có những việc tưởng dễ mà vẫn sai. Trong cách chọn trường cũng thế. Không phải trường nào “cũng sẽ dành cho mình”. Do vậy, khi chọn ngành nghề, chọn trường, tránh chọn theo tâm lý đám đông, hào quang của nghề mà cần phải tìm hiểu thật kỹ sao cho hợp với bản thân và tài chính gia đình. “Chạy đường dài mới biết ngựa hay. Trường “hot” đôi khi chưa phải đã hay! Hay phải là trường phù hợp với mình”, ThS. Đương nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)