Thời gian qua, một số người đã đề xuất nên tăng cường dạy và học từ Hán Việt trong nhà trường.
Đề xuất này dựa trên cơ sở có nghiên cứu cho rằng có đến 60% vốn từ tiếng Việt là từ gốc Hán; trên thực tế số từ gốc Hán trong các văn bản hành chính thậm chí còn chiếm đại đa số trong tổng số các từ; đồng thời có hiện tượng nhiều người không rõ nghĩa của từ Hán Việt hoặc từ gốc Hán, dẫn đến dùng sai. Chẳng hạn, nhiều từ bị dùng sai khá phổ biến như “yếu điểm”, “hậu duệ”, “đồng hương”…, ngay cả trên báo chí. Tuy nhiên, ý kiến đề xuất này bị khá đông người phản đối, cho rằng học từ Hán Việt là thể hiện sự “mất gốc”, là mang đậm tư tưởng lệ thuộc… Dĩ nhiên, chúng ta không đặt ra vấn đề chính trị ở đây mà phải nhìn nhận ở góc độ khoa học, văn hóa và thực tế diễn ra.
Ở góc độ khoa học, sự du nhập từ có yếu tố nước ngoài là điều hết sức bình thường (như tiếng Việt hiện đang sử dụng nhiều từ có gốc tiếng Khmer, Pháp, Anh…); ở góc độ văn hóa, hai quốc gia, dân tộc có sự giao lưu văn hóa (hai chiều), thậm chí sự ảnh hưởng, tác động (cơ bản là một chiều) diễn ra trong hàng ngàn năm thì sự ảnh hưởng của ngôn ngữ cũng là điều dễ hiểu; còn trên thực tế, trong điều kiện nước ta trong một thời gian dài không có chữ viết riêng mà sử dụng chữ Hán, lại ít nhiều áp dụng phương pháp giáo dục của người Trung Quốc nên trong ngôn ngữ có sự vay mượn là điều không tránh khỏi.
Thực tế đó mang tính lịch sử chứ không phải có ý muốn của cá nhân nào. Do đó, việc học từ Hán Việt để hiểu đúng và dùng đúng tiếng Việt là rất cần thiết, hoàn toàn không phải là biểu hiện lệ thuộc, mất gốc, sính ngoại, lai căng… Cần phải nhìn nhận rằng có học từ Hán Việt sẽ giúp tiếng Việt giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị dùng sai hơn. Do đó, trong chương trình phổ thông, nên quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng thêm số tiết học liên quan đến từ Hán Việt. Hiện chương trình phổ thông đã có các bài học về “từ Hán Việt”: bài lý thuyết Từ Hán Việt ở chương trình lớp 7 THCS và bài Luyện tập từ Hán Việt ở chương trình lớp 10 THPT. Ngoài ra, cuối mỗi cuốn sách giáo khoa ngữ văn (tập II), trong chương trình THCS và THPT hiện hành đều có Bảng tra yếu tố Hán Việt (lớp 6, 7, 8, 9) và Bảng tra cứu từ Hán Việt (lớp 10, 11, 12); trong bảng là những yếu tố/từ Hán Việt thường dùng hoặc/và thông dụng trong các văn bản cổ, mà học sinh đã tiếp xúc trong năm học đó. Dù vậy, với sự phân bổ như thế, rõ ràng sự lĩnh hội của học sinh là có giới hạn, lại không liên tục, khó có thể hiểu đúng những từ Hán Việt thường dùng. Do đó, nên thêm các bài, các tiết học lý thuyết và thực hành, kể cả liên tục trong các lớp từ THCS đến THPT để học sinh có điều kiện nắm bắt về từ Hán Việt tốt hơn.
Thứ hai, bồi dưỡng cho giáo viên ngữ văn về phương pháp giảng dạy và gợi ý cách giải nghĩa một số từ Hán Việt có trong sách giáo khoa và thường dùng trên thực tế. Phải chắc chắn rằng giáo viên không nhầm lẫn giữa từ Hán và từ Hán Việt, cũng không có tâm lý cho rằng dạy từ Hán Việt là làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Bản thân giáo viên phải phân biệt được thế nào là từ Hán, thế nào là từ Hán Việt, thế nào là từ thuần Việt và có thể chỉ ra được một số từ phổ biến ứng với từng loại đó. Đồng thời, giáo viên phải hiểu được nghĩa và cách dùng của những từ Hán Việt thường dùng, kể cả nếu viết bằng chữ Hán thì càng tốt (để phân biệt những chữ đọc giống nhau nhưng thuộc các bộ khác nhau, có số nét khác nhau và nghĩa cũng khác nhau).
Dạy và học từ Hán Việt là việc làm rất cần thiết trong nhà trường ở giai đoạn hiện nay. Đó là một trong những cách làm cho học sinh hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt, từ đó có những điều kiện khác để có thể góp phần giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt của chúng ta! |
Thứ ba, các bài học cần làm rõ sự cần thiết phải sử dụng từ Hán Việt và cái hay, cái đẹp của từ Hán Việt. Dù muốn dù không, từ Hán Việt đã tồn tại trong vốn từ tiếng Việt và trong nhiều trường hợp không thể thay thế, trong một số trường hợp khác có thể thay thế nhưng nghĩa sẽ không được bảo đảm hay và đúng (tất nhiên có nhiều trường hợp khác hoàn toàn có thể thay thế). Chẳng hạn, trong quốc hiệu nước ta, gần như không thể thay thế các từ “cộng hòa”, “xã hội”, “chủ nghĩa”; còn từ “độc lập” có nghĩa là “đứng một mình” (rõ ràng ý nghĩa không được thể hiện đầy đủ như “độc lập”) nhưng không thể dùng thay được… Chương trình và cách dạy như thế nào để học sinh nắm được điều đó là điều hết sức cần thiết.
Thứ tư, chú ý biên soạn những từ điển từ Hán Việt dùng trong nhà trường. Từ điển từ Hán Việt loại này nên gọn, đơn giản, chọn lọc những từ thường dùng, cách viết, nghĩa, cần thiết thì có thêm thí dụ. Chẳng hạn, chữ “thúy”, gồm: 1/ Bộ mao, 8 nét: cái giỏ đan bằng tre để đi trên bùn; 2/ Bộ vũ, 8 nét: a. con chim; b. viên ngọc màu xanh biếc; c. màu xanh biếc; d. họ Thúy; 3/ Bộ nhục, 6 nét: a. yếu, giòn, dễ vỡ dễ gãy; b. khinh bạc, mỏng manh; c. tiếng trong trẻo vọng xa; 4/ Bộ sước, 14 nét: a. sâu xa, sâu sắc; b. tinh thâm (học vấn). Như vậy, với từ điển này, học sinh và giáo viên có thể phần nào hình dung và hiểu được chữ “thúy” có khoảng 10 nghĩa với 4 cách viết khác nhau, cơ bản phân biệt được các chữ mà không nhất thiết phải học viết được chữ đó…
Tóm lại, dạy và học từ Hán Việt là việc làm rất cần thiết trong nhà trường ở giai đoạn hiện nay. Đó là một trong những cách làm cho học sinh hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt, từ đó có những điều kiện khác để có thể góp phần giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt của chúng ta!
Trúc Giang
Bình luận (0)