Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học và ôn thi theo phương án mới, thầy trò bối rối

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án chính thức thi THPT quốc gia 2017, nhiều trường THPT đã tổ chức họp với giáo viên và học sinh để bàn phương hướng dạy – học mới.

Học và ôn thi theo phương án mới, thầy trò bối rối
Các trường THPT đang lên kế hoạch dạy học cho phù hợp với phương án thi THPT năm 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Trong ảnh: một tiết học môn lý của học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM chiều 27-9 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo cô Lê Thị Thanh Nguyệt – hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM: “Sáng 29-9, ban giám hiệu trường chúng tôi đã họp với tất cả học sinh khối 12, phổ biến về những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Sau đó, trường cho các em chọn môn thi để xếp lớp lại cho phù hợp.

Những em chọn tổ hợp môn KHXH sẽ được học tăng tiết môn sử, địa, giáo dục công dân. Những em chọn tổ hợp môn KHTN sẽ được học tăng tiết môn lý, hóa, sinh. Riêng môn toán thì chắc chắn các thầy cô sẽ phải soạn lại bài giảng, mặc dù hơi cập rập”.

Cô Nguyệt cho biết thêm: “Trong cuộc họp, tôi hỏi học sinh: các em có đề đạt nguyện vọng gì với nhà trường trong quá trình học và ôn thi không? Nhiều em đã trả lời rằng các em bối rối quá, chưa thể hình dung kỳ thi, đề thi như thế nào, nên không biết đề đạt nguyện vọng gì…”.

Lo bài thi tổ hợp

Chiều 29-9, nhiều trường THPT ở Hà Nội đã tổ chức họp gấp vào cuối ngày với tất cả các tổ chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm lớp 12, để thông tin về phương án thi THPT quốc gia năm 2017 và kế hoạch ôn tập cho học sinh.

Ở nhiều trường THPT tại Hà Nội như Yên Hòa, Việt Đức, Lê Quý Đôn, lãnh đạo các trường đều cho biết: do ngày 28-9 Bộ GD-ĐT mới chốt phương án thi THPT nên ban giám hiệu nhà trường mới chỉ họp các tổ bộ môn để thảo luận về việc điều chỉnh nội dung ôn tập mà chưa lên được kế hoạch cụ thể.

“Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh thời lượng các môn thành phần trong hai bài thi tổ hợp, số câu hỏi lên tới 40 câu/môn thành phần khiến nhiều học sinh lo lắng, vì số lượng môn học, khối lượng kiến thức phải học rất nhiều, trong khi chỉ còn 8-9 tháng để học sinh vừa học vừa ôn tập.

Vì thế, hướng của tổ bộ môn xã hội chúng tôi là hướng dẫn học sinh tự xây dựng đề cương theo cách hỏi – đáp, làm sao để đề cương bao phủ được khối lượng kiến thức nằm trong phạm vi sẽ ra đề thi” – cô Thu Hà, giáo viên dạy địa lý lớp 12, cho biết.

“Các tổ chuyên môn sẽ phối hợp để xây dựng bài thi theo hướng tổ hợp kiến thức các môn cho học sinh làm quen. Vừa ôn tập kiến thức, vừa có kỹ năng trong việc phân bố thời gian cho mỗi môn thành phần trong bài thi” – cô Thu Hạnh, giáo viên tổ xã hội Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết.

Theo lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú, quy định tách điểm thành phần của từng môn trong bài thi tổ hợp đã gỡ cho các trường một mối băn khoăn lớn. Từ đó, việc hướng dẫn học sinh ôn tập để ứng phó với bài thi tổ hợp, trong đó có cả môn giáo dục công dân, thuận lợi hơn.

Theo một số thầy cô ở Hà Nội, học sinh và phụ huynh hoang mang nhiều ở môn lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT là giáo dục công dân.

“Nội dung thi sẽ ra vào sát phần kiến thức có trong chương trình – sách giáo khoa, hay theo hướng đặt ra các tình huống thực tế để học sinh liên hệ và chọn hành vi đúng (phương án đúng). Nếu hướng ra đề thi liên hệ thực tế… thì việc ôn thi rất mông lung. Trong khi lâu nay đây là môn học phụ, không được quan tâm đúng mức” – một giáo viên Trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho biết: “Trước đây học sinh làm bài thi tự luận, ngoài kiến thức thì chúng tôi phải dạy các em kỹ năng so sánh, tổng hợp, phân tích vấn đề. Bây giờ thi trắc nghiệm không cần phải dạy như thế nữa, chỉ cần chuyển tải cho các em nắm bắt càng nhiều kiến thức càng tốt. Mỗi vấn đề cũng không cần đi sâu như trước mà chỉ cần học theo kiểu khái quát mà thôi. Riêng với môn sử, tôi cho rằng nếu dạy theo chuyên đề sẽ phù hợp với cách thi trắc nghiệm hơn”.

Chuyển hướng 
luyện toán trắc nghiệm

“Chúng tôi thực hiện chương trình giáo dục do nhà trường chủ động thiết kế. Trong đó, các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh đã được tăng tiết/tuần so với quy định chung của các trường công lập khác.

Vì thế, thời gian tới chúng tôi sẽ không điều chỉnh thời lượng môn học, mà chủ yếu ban giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập cho học sinh lớp 12; trong đó dành thời gian để ôn tập theo kiểu bài thi tổ hợp, thi trắc nghiệm, đối với các môn mới như toán, giáo dục công dân” – một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết.

Riêng môn toán, các thầy cô tổ toán của các trường THPT ở Hà Nội như Lương Thế Vinh, Đinh Tiên Hoàng đều cho biết từ hai tuần nay đã bắt đầu chuyển hướng ôn tập trắc nghiệm cho học sinh.

“Dĩ nhiên vẫn phải ôn tập cho học sinh bám sát chương trình cơ bản. Nhưng với quy định mới, thay vào việc rèn cách lập luận, trình bày cho học sinh, chúng tôi buộc phải dành thời gian rèn cho học sinh các kỹ năng để làm bài thi trắc nghiệm” – thầy Tiến Minh, giáo viên Trường Lương Thế Vinh, giải thích.

Còn theo thầy Hà Xuân Nhâm – Trường THPT Phan Huy Chú: “Luyện cách tính nhanh, phép thử, thậm chí cả khả năng phán đoán, loại bỏ để có phương án đúng đều sẽ là những kỹ năng mà chúng tôi cần bổ sung và chú trọng trong quá trình ôn tập môn toán sắp tới cho học sinh”.

Trong khi đó ở TP.HCM, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch giảng dạy cho học sinh làm quen với cách thi môn toán theo kiểu trắc nghiệm, ngay từ khi phương án thi còn ở dạng dự thảo.

Ông Nguyễn Hùng Khương, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), thông tin: “Nhà trường không cảm thấy bất ngờ với quyết định thi trắc nghiệm môn toán của Bộ GD-ĐT. Từ năm 2007, khi Bộ GD-ĐT thể hiện định hướng sẽ cho thi trắc nghiệm môn toán, một số giáo viên trường chúng tôi đã biên soạn bài dạy và tập ra đề kiểm tra theo hướng trắc nghiệm.

Bây giờ các giáo viên sẽ lấy những bài dạy này ra chỉnh sửa lại cho phù hợp chương trình, đồng thời đầu tư thêm để làm những đề kiểm tra có chất lượng cho học sinh tập dượt”.

Mong đề thi mẫu

“Trước đây, môn địa đã từng thi trắc nghiệm nên chúng tôi không quá lo lắng. Tổ bộ môn trường tôi đã họp và thống nhất sẽ dạy học sinh theo từ khóa, để các em nhớ kiến thức dễ hơn và không bị nhầm lẫn. Chúng tôi chỉ băn khoăn là câu hỏi vẽ biểu đồ sẽ được thể hiện ra sao trong đề thi trắc nghiệm” – cô Trần Thụy Thanh Nhã, giáo viên môn địa Trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ.

Theo cô Nhã: “Tôi nhớ khoảng năm 2008, 2009 môn địa có thi trắc nghiệm, nhưng chỉ trắc nghiệm 70%, còn lại 30% là câu hỏi tự luận. Phần tự luận nhằm kiểm tra kỹ năng tính toán, vẽ biểu đồ của thí sinh. Theo tôi, đề ra như vậy rất phù hợp, vì vừa kiểm tra được kiến thức, vừa kiểm tra được kỹ năng của thí sinh. Còn năm nay, chúng tôi đang mong chờ đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT để có định hướng cho việc giảng dạy học sinh”.

Tương tự, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cũng mong: “Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi mẫu để chúng tôi biết được cấu trúc đề ra theo kiểu trắc nghiệm như thế nào, dung lượng kiến thức ra sao… Đặc điểm môn lịch sử ở bậc THPT là kiến thức quá nhiều và quá nặng. Nếu không được định hướng ngay từ đầu mà bắt học sinh học theo kiểu dàn trải thì rất tội cho các em”.

V.HÀ – H.HƯƠNG/ TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)