Để kiến thức đang được học không bị rơi rụng, người học không cho phép mình bàng quan, hững hờ. Thật đáng buồn khi hiện nay có những cô cậu học trò dù đã học THPT, ngay trong giờ thầy cô đang giảng bài vẫn quay ngang, quay dọc tán gẫu, trêu chọc bạn ngồi gần; làm việc riêng hay lấy điện thoại ra nghe lén, gọi lén… Một thái độ học không chút chú tâm như vậy tất sẽ dẫn đến hậu quả: Học trước quên sau; học đâu bỏ đó. Các nơ-ron thần kinh trong não bộ thuộc trung khu bộ nhớ ở các em đó sẽ không được đánh thức, không được khởi động nên mọi tín hiệu học sẽ gần như nằm ngoài quỹ đạo ghi nhận của nó.
Để hiện trạng đó không xảy ra, khi đã thực hiện bất kỳ một yêu cầu học nào hay một thao tác học nào người học buộc phải suy ngẫm. Suy ngẫm để hiểu. Suy ngẫm để đào sâu mở rộng, nâng cao. Suy ngẫm để thắc mắc, để phản biện… Có nhiều cách để suy ngẫm. Suy ngẫm bằng liên hệ thực tế để nhận ra chân lý của vấn đề, của khái niệm vừa học. Suy ngẫm bằng so sánh để thấu rõ sự giống nhau và khác biệt nhau giữa kiến thức mới và cũ, giữa kiến thức A và B giúp cho tư duy sáng tỏ, nắm chắc hơn bản chất của kiến thức với phương châm “ôn cố, tri tân”; hiểu A để hiểu B hơn. Suy ngẫm bằng liên tưởng để vấn đề được xem xét một cách tổng thể toàn diện hơn giúp cho trí não có cơ hội học một hiểu mười. Suy ngẫm bằng trí tưởng tượng để sinh động hóa, cụ thể hóa kiến thức làm cho kiến thức được khắc sâu, lan tỏa, nhớ lâu, mở rộng một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc thích thú. Câu nói bất hủ của A. Einstein: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn cả kiến thức”, càng cho ta rõ giá trị của óc tưởng tượng.
Để hướng suy ngẫm được chuẩn mực, không lan man dàn trải, người học phải biết chú tâm vào vấn đề mình học, mình suy ngẫm thông qua việc huy động tối đa trữ lượng kiến thức đã tích hợp, kinh nghiệm sống đã gom nhặt theo một định hướng nhất định mà tư duy đặt ra.
Rèn được thói quen đã học là suy ngẫm không chỉ giúp cho việc học trở nên thích thú nhẹ nhàng; việc ghi nhớ kiến thức trở nên sâu sắc toàn diện mà còn là bí quyết quan trọng làm tăng trưởng trí thông minh sáng tạo sau mỗi tiết học, mỗi đơn vị kiến thức được học.
NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ
Bình luận (0)