Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học văn bằng… cải lương

Tạp Chí Giáo Dục

Trích đon Tc nưc v b trong tác phm Tt đèn đưc tái hin đy chân thc qua ci lương

Phương pháp học tập thú vị này vừa được Tổ ngữ văn Trường THPT Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) triển khai thông qua hoạt động ngoại khóa văn học “Tìm hiểu các loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương trong trường học”. Tại chương trình, trích đoạn Tức nước vỡ bờ trong tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố) được sân khấu hóa qua làn điệu cải lương đầy day dứt, nghẹn ngào. Ở đó, ngọn lửa lòng chị Dậu như bước ra ngoài trang sách, “thiêu đốt” cả sân khấu, cuốn hút học sinh qua từng lời ca của các nghệ sĩ Đoàn kịch Lê Hay (TP.HCM). Hay câu chuyện về Nhị Kiều tướng quân qua giọng ca của hai nghệ sĩ cải lương đoạt HCV toàn quốc là Minh Đức và Lan Anh trong trích đoạn cùng tên mang đến không khí hào hùng, sôi động trên sân trường.

Chăm chú theo dõi chương trình, Bùi Tuấn Thành (học lớp 11A1) cho biết đây là lần đầu tiên em xem trọn vẹn các trích đoạn cải lương một cách say mê và hào hứng. “Tác phẩm văn học khi được biến tấu thành trích đoạn cải lương, không chỉ truyền tải nội dung tác phẩm mà còn được làm mới, làm sống động từng tâm thế của nhân vật”, Thành nói. Còn Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (học lớp 8A1) cho hay trích đoạn Tức nước vỡ bờ nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 8, tuy nhiên, khi được chuyển thể thành cải lương, trích đoạn đã trở nên thú vị hơn rất nhiều. “Từ tâm trạng đến hoạt cảnh, mọi thứ như được bước ra từ trang sách, hiển hiện ra trước mắt một cách ấn tượng. Đặc biệt, qua các trích đoạn cải lương thấy kiến thức được hệ thống dễ dàng”, cô bạn chia sẻ.

Theo thầy Phạm Thanh Nam (Hiệu trưởng nhà trường), việc sân khấu hóa tác phẩm văn học qua loại hình cải lương là một trong những hoạt động giáo dục trải nghiệm đưa âm nhạc dân tộc vào trong học đường được nhà trường triển khai một cách sinh động, gần gũi. Thông qua sân khấu hóa những tác phẩm, bên cạnh việc củng cố lại kiến thức văn học, hoạt động còn giúp học sinh đến gần hơn, hiểu hơn và yêu hơn loại hình nghệ thuật cải lương của dân tộc. Qua đó, giáo dục các em về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đ.Yến

 

Bình luận (0)