Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học văn để… tỏa sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Hc sinh hóa thân thành M Châu – Trng Thy

Đây là chủ đề của dự án văn học do Tổ ngữ văn Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) thực hiện và triển khai cho học sinh 3 khối trong trường. Qua 5 mùa thực hiện, dự án đã mang lại những hiệu ứng tích cực với phương pháp học văn đầy mới mẻ và độc đáo. Ở mùa thứ 5 (năm 2019), dự án được khởi động từ đầu năm học. Khác với những mùa trước, năm nay dự án không phải là hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học mà sử dụng văn học để khơi lên những tài năng và vẻ đẹp tâm hồn của học sinh. Đồng thời đưa văn học đến gần với học sinh hơn.

Theo đó, dự án diễn ra với 2 vòng thi. Ở vòng sơ khảo, dự án chứng kiến sự tranh tài của nhiều cặp thí sinh đến từ các lớp trong lĩnh vực thời trang và tài năng. Còn vòng chung kết là màn thể hiện tài năng của 5 cặp thí sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn từ vòng sơ khảo. Trong vòng chung kết, mỗi cặp thí sinh thể hiện qua 2 phần thi là Hội ngộ văn học và Sắc màu học văn. Nếu ở sắc màu học văn là phần trình diễn tài năng của mỗi thí sinh, thì phần Hội ngộ văn học, thí sinh hóa thân thành những nhân vật tiêu biểu từ những tác phẩm văn học nằm trong chương trình như: Truyện Kiều, An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thủy, Tấm Cám, Số đỏ, Vợ chồng A Phủ thông qua trang phục và sự hiểu biết về nhân vật. “Từ trang phục, các em phải lồng ghép thêm những hoạt cảnh nhỏ để toát lên thần thái của nhân vật. Đó có thể là phân cảnh thử hài trong Tấm Cám hay cảnh Mỵ giải cứu A Phủ trong Vợ chồng A Phủ… Bên cạnh đó, các em còn phải thể hiện quan điểm của mình về tính cách, hành động của nhân vật mà mình hóa thân. Những kiến thức này không phải là kiến thức rập khuôn trong SGK mà đòi hỏi các em phải có cảm nhận của riêng mình dựa trên những hiểu biết về tác phẩm”, thầy Phương Thanh Vũ (Tổ trưởng Tổ ngữ văn) chia sẻ.

Theo thầy Vũ, dự án “Học văn để tỏa sáng” là phương pháp dạy học sáng tạo để làm mới bộ môn văn học, đưa văn học đến gần với học sinh. Đồng thời mở ra sân chơi để các em thể hiện bản thân qua môn văn. “Ở bất cứ môn học nào, dù là toán, lý, hóa hay văn, các em vẫn có thể tỏa sáng nếu như có niềm say mê, yêu thích. Văn học không chỉ là môn học mà còn là cuộc sống, ngoài kiến thức còn bồi đắp cho các em về tâm hồn”, thầy Vũ nhấn mạnh.

Với trải nghiệm hóa thân thành nhân vật Thúy Kiều, Đặng Lê Diệu Linh (lớp 12A10) cho biết bản thân rất thích thú với cách học văn này. “Bên cạnh kiến thức văn học, những hiểu biết về nhân vật, dự án còn là cơ hội để chúng em được tỏa sáng theo cách riêng của mình”, Diệu Linh nói.

Đ.Yến

 

Bình luận (0)