Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học văn… dưới tán cây mận

Tạp Chí Giáo Dục

“Ngồi dưới tán cây mận xanh um trong trường để học bài Hai đứa trẻ, những cánh hoa mận li ti rơi xuống, hơn bao giờ hết em cảm nhận rõ ràng hồn văn xao xuyến, nhẹ nhàng của Thạch Lam với “hoa bàng rụng xuống vai Liên từng đợt một”. Đó là chia sẻ của em Phạm Cao Duyên (lớp 11A3 Trường THPT An Dương Vương, TP.HCM) sau tiết học văn rất lạ được cô Nguyễn Minh Thu – giáo viên văn trong trường thực hiện.

Học sinh lớp 11A3 Trường THPT An Dương Vương (Q.Thủ Đức) học văn dưới tán cây mận

Biến lớp học thành phòng tranh, mỗi học sinh là một chuyên gia, giáo viên…, những phương pháp dạy học tích cực đó không chỉ tạo hứng thú cho học sinh trước môn văn mà còn phát huy tối đa cảm nhận của các em với mỗi tác phẩm.

Thay đổi để không… nhàm chán

“Môn văn là môn dễ gây nhàm chán và dễ bị học sinh ghét nếu giáo viên không có sự thay đổi”. Đó là lý do thôi thúc cô Thu mạnh dạn đưa những phương pháp dạy học tích cực vào môn văn để “thổi luồng gió mới” cho học sinh của mình.

Giờ học bài Hai đứa trẻ ở lớp 11A3, thay vì học trong lớp như truyền thống, học sinh lại “rủ nhau” ra ngồi dưới tán cây mận trong sân trường để học. Cả lớp được chia ra thành các nhóm “chuyên gia”, trong đó mỗi học sinh là một chuyên gia để tìm hiểu tác phẩm. “Đây là phương pháp trực quan. Trong bài học có chi tiết nhân vật Liên khi ngồi trong bóng tối, hoa bàng rụng xuống vai từng đợt một – một chi tiết rất đắt vừa phản ánh văn phong trong trẻo, lãng mạn của Thạch Lam vừa diễn tả chân thật nhất một tâm hồn non trẻ xao xuyến của nhân vật. Tôi muốn học sinh cảm nhận được rõ ràng nhất những điều này khi hoa mận nhẹ nhàng rơi xuống vai”, cô Thu phân tích.

Sau 10 phút tìm hiểu, bằng kỹ thuật “mảnh ghép” cô giáo trẻ lại tạo ra nhóm mới bằng cách ghép thành viên của các nhóm với nhau. “Phương pháp này lại mang đến cho các em đa dạng những cách hiểu khác nhau về tác phẩm dưới góc nhìn của mỗi nhóm”, cô Thu nói.

Vẫn tác phẩm Hai đứa trẻ nhưng lớp 11A4 lại được cô Thu “hô biến” thành phòng tranh. Tất cả những sản phẩm tìm hiểu về tác phẩm của mỗi nhóm sẽ được treo lên tường xung quanh lớp học như một cuộc triển lãm tranh vậy. Từ đó, học sinh trong lớp sẽ dễ dàng quan sát và tìm hiểu thành quả của mỗi nhóm.

“Không cứng nhắc và một chiều. Thay vào đó là những góc nhìn mở về tác phẩm của mỗi học sinh. Chúng em được thỏa sức đưa ra cảm nhận của mình về tác phẩm mà không phải sợ sai, không trúng ý”, Phạm Thị Ngọc Khánh (lớp 11A4) đánh giá.

Học sinh làm… giáo viên

Một phương pháp tích cực cũng được cô Thu phá cách đưa vào giảng dạy là mang đến trải nghiệm “làm giáo viên” cho học sinh. “Em nào cũng tích cực hơn vì được trở thành giáo viên dạy bạn mình. Các em phải tìm cách diễn đạt sao cho dễ hiểu, trả lời các câu hỏi chất vấn của các bạn, tổ chức các nội dung bài học trong một khoảng thời gian nhất định. Với phương pháp này, đôi khi các em có những phát hiện về bài học mà giáo viên cũng phải ngỡ ngàng. Rất thú vị”, cô Thu chia sẻ.

Học sinh lớp 12A3 đang học theo phương pháp nhóm “chuyên gia”

Trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “các giáo viên” lớp 12A3 đã rất lúng túng và vất vả để tìm lời giải đáp khi bị “học trò” bắt bẻ về những chi tiết lịch sử của dòng sông Hương ở Huế mà không được tác giả đưa vào trong bài. “Đó là bài tùy ký xuất sắc của nhà văn từ tình yêu tha thiết với Huế, với sông Hương. Cứ nghĩ mình đã hiểu hết về tác phẩm, ai ngờ còn nhiều điều mình chưa nắm kỹ”, Huỳnh Khánh Như (lớp 12A3) chia sẻ. Còn ở bài Thương vợ của Tú Xương, trong vai “giáo viên”, Trần Huỳnh Hiếu (lớp 11A2) lại “toát mồ hôi” để giải thích câu thơ “Quanh năm buôn bán ở mom sông” cho nhiều “học trò” trong lớp. “Khi em nói mom sông là dải đất dôi ra ngoài mặt nước, chỉ về sự nguy hiểm thì các bạn trong lớp lại phản biện rằng, mình không hề thấy nguy hiểm chút nào. Em phải dùng phương pháp trực quan bằng ví dụ thì các bạn mới chịu”, Hiếu nhớ lại.

“Điểm mạnh của những phương pháp này là làm mới được những điều đã cũ. Học sinh được thoải mái thể hiện bản thân, phát huy tinh thần làm việc nhóm và tự đánh giá lẫn nhau”, cô Nguyễn Minh Thu cho biết.

“Chính tôi cũng không nghĩ ra cách giải thích thuyết phục như thế. Đó cũng chính là lý do mà tôi muốn trao quyền dạy… cho học sinh. Bởi chỉ có các em mới có thể dạy cho nhau một cách dễ dàng và gần gũi nhất”, cô Thu nói. Bên cạnh đó, khi học sinh được “thử sức” với vai trò giáo viên, cô Thu nói rằng, sẽ mang đến cho các em cái nhìn thực tế hơn về nghề. “Từ đó, truyền lửa nghề, định hướng nghề nghiệp cho những em nào mong muốn học ngành sư phạm sau này”, cô Thu nhấn mạnh.

Theo cô Thu, điểm mạnh của những phương pháp này là làm mới được những điều đã cũ. Học sinh được thoải mái thể hiện bản thân, phát huy tinh thần làm việc nhóm và tự đánh giá lẫn nhau. Giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổng hợp kiến thức từ các nhóm và định hướng lại bài học.

Thầy Lê Duy Tân (Giáo viên văn Trường THPT Gia Định, TP.HCM) cho rằng những phương pháp tích cực này sẽ giúp học sinh cảm nhận sâu hơn về tác phẩm, vừa rèn luyện được những kỹ năng và tạo thế chủ động cho học trò. “Tuy nhiên, giáo viên phải có cách sắp xếp, quản lý và theo dõi thì mới phát huy tốt nhất những phương pháp này”.

Yến Hoa

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)