Một hôm vào giờ ra chơi, một nữ sinh trong lớp gặp tôi chia sẻ rằng, em muốn tham gia các phong trào của lớp, của trường mà mẹ không cho. Em cho biết lý do mẹ không cho con gái tham gia các phong trào vì mong muốn em chỉ tập trung vào việc học, bởi nếu tham gia các hoạt động phong trào khác thì chắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến điểm số cuối năm. Nghe em nói thế, tôi liền khuyên: “Sao em không giải thích và thuyết phục mẹ để bà đồng ý?”. Lúc đó em mới cho hay dù đã nhiều lần thuyết phục nhưng mẹ nhất quyết không chịu.
Đã từng làm công tác chủ nhiệm lớp nhiều năm, tôi biết đây là tâm lí của một số phụ huynh quá lo lắng chuyện học tập của con mình và nhất là kết quả xếp loại cuối năm. Cái họ cần là số điểm con đạt được càng cao càng tốt chứ không phải là những hoạt động khác của trường, của lớp. Nhưng điều đáng nói hơn mà tôi biết, mẹ em lại là một giáo viên.
Rồi em lại kể nỗi buồn khác về điểm số. Điểm văn của em không cao như những năm học ở bậc THCS khiến mẹ buồn. Tôi chỉ giải thích cho em hiểu, đề kiểm tra ở trường với lượng kiến thức sâu rộng hơn, cao hơn và kiểm tra thi cử nghiêm túc hơn; hơn nữa thầy không dạy theo kiểu văn mẫu nên điểm số không cao nhưng đó là kết quả thực sự của các em. Em cho hay: “Mẹ em nói, học toán, lí, hóa mới cần tư duy chứ học văn đâu cần phải tư duy. Chỉ cần học thuộc lòng là điểm cao”. Nghe em kể vậy, tôi nhẹ nhàng giải thích: “Môn học nào cũng cần tư duy cả em ạ. Môn văn lại càng tư duy nhiều hơn. Nếu môn văn cứ học thuộc lòng văn mẫu đạt điểm cao thì còn gì là văn chương. Văn học cần lắm sự tìm tòi, sáng tạo chứ không nên rập khuôn máy móc”. Em hiểu những gì tôi nói, bởi trong những bài giảng của mình, tôi thường dạy điều này cho học sinh. Trước áp lực của gia đình, các em cũng khó khăn trong việc lựa chọn điểm số cao hay giá trị thật của văn chương.
Văn học là nhân học, người thầy dạy văn không chỉ dạy về nội dung – nghệ thuật của văn bản mà điều trước hết và quan trọng nhất là dạy học sinh những bài học làm người thông qua tác phẩm văn học. Học văn cần lắm tư duy chứ không phải học thuộc lòng máy móc! Bởi “tư duy là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra những quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lí” (Theo Từ điển tiếng Việt – NXB Đà Nẵng năm 2004). Điều đáng nói, một người mẹ bình thường đưa ra quan điểm: “học toán, lí, hóa mới cần tư duy chứ học văn đâu cần phải tư duy” đã là khó chấp nhận. Đằng này mẹ em lại là giáo viên thì quan điểm đó càng không thể chấp nhận được. Thật là khó hiểu? Không biết có giáo viên nào khuyên con cái mình như thế nữa không?
Thái Hoàng
(Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)
Bình luận (0)