Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học văn là thế này ư?

Tạp Chí Giáo Dục

Tình cờ tôi đọc được bài viết về cách ôn tập của học sinh chuyên văn trên báo điện tử Toquoc. Bài có nhan đề rất lòng thòng: Lộ diện bí kíp ôn văn của dân chuyên, xem xong ai cũng phải gật gù công nhận “học giỏi cũng là có lý do cả”. Tóm tắt cách học được cho là khác người đó là: “Các bạn học sinh ghi chú thật nhanh tất cả những ý quan trọng mà thầy cô giáo giảng… Khi ôn thi văn, đòi hỏi các bạn học sinh phải ghi chú dài hơn, chuẩn hơn, thậm chí ghi chú cho từng câu thơ, từng dòng văn bản thì mới có thể đảm bảo kiến thức không rơi mất sau khi gấp sách lại”. Để minh chứng cho tài năng ghi chú thành thần này, nhiều học sinh đã quyết định chia sẻ hình ảnh những cuốn SGK chi chít chữ của mình. Ngay sau khi xuất hiện, những bức ảnh này đã thu hút hàng loạt sự hưởng ứng và thán phục từ cộng đồng mạng. Bởi mỗi trang SGK đều là những dòng viết tay đủ kích cỡ, màu sắc chỉ nhằm một mục đích duy nhất: “học thuộc bài”. Từ đó, tác giả bài viết nêu lên “một vài dẫn chứng thể hiện cho bí kíp ghi chú có tâm, học ắt có tầm của học sinh chuyên mà cộng đồng mạng đua nhau chia sẻ”.

Tôi ngồi và phóng to trang SGK xem các em học sinh chuyên văn ghi gì để biết: một là thầy cô đã giảng “những ý quan trọng” như thế nào? hai là các em học sinh thu lượm được những gì? Từ đó nghĩ xem cách học ấy sao lại được tán thưởng và “đua nhau chia sẻ”… Kết quả, tôi không đủ kiên nhẫn để xem tất cả. Chỉ xin nêu một trang ghi chép của học sinh về bài thơ Việt Bắc. Từ câu “Nhớ khi giặc đến giặc lùng” đến “Đất trời ta cả chiến khu một lòng” được ghi bên lề là “cầm cự”; câu tiếp “Ai về ai có nhớ không” đến “… nhớ sang Nhị Hà” được ghi là “phòng ngự” và từ câu “Những đường Việt Bắc của ta” đến “Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về” được ghi là “phản công”… Nghĩa là bài thơ Việt Bắc được thầy cô giảng và học sinh ghi lại theo 3 giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp… Tôi ngồi thẫn thờ và cứ nghĩ vẩn vơ: hay là do mình lạc hậu mất rồi. Vì không hiểu học văn như thế là học cái gì. Và vì sao như thế được coi là bí quyết ôn văn rất siêu; nó phản ánh cách dạy của thầy cô. Nhưng chẳng lẽ thầy cô dạy bài Việt Bắc như thế ư? Và chắc học kiểu ấy phải có hiệu quả, tức là thi được điểm cao thì học sinh chuyên văn mới học thế. Cũng có nghĩa là việc kiểm tra đánh giá chỉ là thuộc lòng, học gạo, nhắc lại lời thầy cô như con vẹt mà thôi. Mà lời thầy cô nếu dạy thế thì sai be bét. Mặc dù rất phục cách ghi chép công phu, nhưng nếu học sinh nào cũng ghi bài thế thì SGK làm sao dùng được nhiều lần?…

Đọc xong thấy không “gật gù” được, chỉ thấy buồn. Hy vọng chỉ một số ít thầy cô và học sinh dạy và học kiểu ấy. Người viết bài chắc cũng không hiểu gì nên mặc sức ngợi ca. Bỗng thấy thương cho môn văn và… thương cả chính mình.

PGS.TS Đ Ngc Thng

 

Bình luận (0)