Thay vì phải trải qua 3 tiết học văn trên lớp theo từng chủ đề dành cho từng khối lớp, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) lại được trải nghiệm những giờ học ngoài trời thú vị cùng với cách tính điểm có-một-không-hai mà vẫn đảm bảo tính chuyên môn, sự công bằng cho tất cả các em.
Các em học sinh đang nghe bạn thuyết minh về Nhà thờ Đức Bà |
60 phút trải nghiệm thú vị
“Các bạn đang đứng trong khuôn viên của Nhà thờ Đức Bà, là một trong những công trình nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Sài Gòn và được coi là một tuyệt tác kiến trúc đô thị. Tên chính thức của nhà thờ là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được hoàn thành vào năm 1880 với chi phí 2,5 triệu tiền Pháp (tính theo mức giá hiện tại tương đương 480 tỷ đồng Việt Nam). Công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc Roman và Gothic, những vật liệu xây dựng đều được mang từ Pháp sang…”. Đó là lời mở đầu của em Lê Hoàng Mai, đồng thời cũng là người dẫn chương trình khu vực Nhà thờ Đức Bà của nhóm 1 – lớp 8A10. Phần thuyết minh của Mai kéo dài chưa đầy 10 phút nhưng đã mang đến cho các bạn trong nhóm những điều thú vị về một trong những công trình kiến trúc đẹp và có giá trị lịch sử tại TP.HCM. Xong phần thuyết minh, các thành viên trong nhóm tản ra tham quan và gặp một số vị khách du lịch để hỏi về cảm nhận của họ khi đến thăm công trình kiến trúc cổ này, trong khi một vài bạn khác lại tranh thủ chụp hình, quay phim để lưu lại về làm bài thu hoạch.
Trong lúc đó, hai nhóm học sinh khác của lớp 8A10 cũng được dẫn qua khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình và Bưu điện Trung tâm thành phố để nghe bạn thuyết minh và tìm hiểu về những đặc điểm ở hai khu vực này. Ở đường sách Nguyễn Văn Bình, các em không chỉ được nghe bạn thuyết minh về sự hình thành, các hoạt động của đường sách mà còn tự mình tìm hiểu về các thể loại sách được nhà xuất bản bày bán tại những gian hàng. Riêng tại Bưu điện Trung tâm thành phố, nhóm học sinh thực hiện cuộc phỏng vấn với người nước ngoài gặp phải sự “tấn công” của một nữ du khách đến từ New Zealand. Vốn là hiệu trưởng một trường THPT ở New Zealand nên bà không những thoải mái chia sẻ về cảm nhận của mình về công trình kiến trúc này mà còn hỏi ngược lại các em về mục đích, cách thức thực hiện và phương pháp học ở trường khiến nhóm vô cùng hào hứng khi nói chuyện với vị khách này.
CÁCH CHO ĐIỂM MỚI LẠ Không chỉ khiến học sinh có những giờ học thú vị, cách chấm điểm của giáo viên theo phương thức này cũng tạo cho các em sự thích thú bởi tính khách quan và sự công bằng. Theo đó, nhóm trưởng ngoài việc phân công công việc còn có trách nhiệm quan sát, căn cứ theo sự nhiệt tình và mức độ hoàn thành để xếp loại từng thành viên trong nhóm. Mỗi mức xếp loại sẽ tương ứng với một số điểm đưa ra theo quy định trước đó (ví dụ: khá: 7 điểm; khá+: 8 điểm; trung bình: 5 điểm; trung bình+: 6 điểm…). Điểm này sẽ được cộng với điểm chung của nhóm do một nhóm khác chấm trong tiết thu hoạch, trình chiếu sản phẩm (có thể là phóng sự, PowerPoint hoặc bài viết thuyết minh), chia đôi, cộng với điểm giáo viên bộ môn chấm cho nhóm (đã nhân hệ số 2) chia ba thì sẽ ra số điểm cuối cùng của bài kiểm tra một tiết cho từng cá nhân.
|
Sau gần 60 phút lần lượt tìm hiểu cả ba khu vực, các nhóm tập trung về khu vực trung tâm để cùng nhau thảo luận, đặt câu hỏi chéo để thành viên trong các nhóm tự trả lời. Các câu hỏi hay, sáng tạo sẽ nhận được phần quà nhỏ từ nhóm đảm trách việc trả lời.
Cách dạy học sáng tạo
Các hoạt động ngoài trời kể trên là nội dung bài học về dạng văn thuyết minh của chương trình khối lớp 8. Cô Nguyễn Thúy (nhóm trưởng nhóm 8) cho biết theo phân phối chương trình, dạng văn thuyết minh sẽ gồm 1 tiết luyện nói, 2 tiết làm bài viết tại lớp. Tuy nhiên, thay vì dạy và học theo cách thông thường, các em học sinh khối lớp 8 sẽ có 2 tiết học ngoài trời và 1 tiết làm bài nghiệm thu tại lớp. Cách học này sẽ giúp các em phát huy được 8 năng lực cốt lõi, gồm: năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, thẩm mỹ, thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, CNTT. Theo hình thức này, mỗi lớp sẽ chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ có sự phân công công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, các nhóm sẽ có 1 trưởng nhóm để chịu trách nhiệm phân công các bạn làm nhiệm vụ thuyết minh, chụp ảnh, quay phim, chuẩn bị câu hỏi, biên tập và làm thành phẩm… “Khi được giao nhiệm vụ, các em rất hào hứng, thực hiện rất nhiệt tình. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh, nhiều người còn tình nguyện giúp các em chuẩn bị những phần quà nhỏ như cây viết, kẹo, cuốn tập… để trao cho những người đặt câu hỏi hay”, cô Nguyễn Thúy nói.
Cô Nguyễn Thúy cho biết thêm, dự án này được hình thành khi hoạt động đưa học sinh trong Câu lạc bộ Văn học tìm hiểu về Bến Nhà Rồng trong hè đạt được nhiều kết quả và hiệu ứng tích cực. Hiện tại, dự án đang tập trung cho học sinh khối lớp 8 và sẽ triển khai cho các khối lớp còn lại theo từng dạng văn mà các em học. “Có thể, các tiết học này sẽ được triển khai sớm hơn so với chương trình học nhưng vẫn đảm bảo đủ thời gian theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT”, cô Nguyễn Thúy cho hay.
Ngọc Anh
Bình luận (0)