Bước ra ngoài không gian lớp học truyền thống, tiết học văn lớp 10A4, Trường THPT Hùng Vương (quận 5) diễn ra tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt, học sinh “làm chủ” hoàn toàn tiết học, giáo viên chỉ đứng ở vị trí… quan sát.
Tiết học văn diễn ra tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Không bục giảng, không bảng đen, không đóng khung trong phòng học đơn thuần, bài Giao cảm với thiên nhiên – tiết dạy nói và nghe trong môn ngữ văn, không gian lớp học lớp 10A4 được “mở” ra ngay sảnh trước sân trường tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tiết học được thiết kế như một cuộc thi, có thí sinh thể hiện, có chuyên gia, ban giám khảo, khách mời. Tất cả đều do học sinh đảm nhiệm, vai trò dẫn dắt tiết học được trao cho học sinh.
Với 39 học sinh, lớp 10A4 được chia thành 4 nhóm. Các nhóm sẽ trình bày, giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác với chủ đề “Hồ Chí Minh – thiên nhiên là tri kỷ”. Bên cạnh đó, học sinh còn được phân vai thành nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch, ca sĩ… trong các nhóm chuyên gia, nhóm cố vấn, để… đánh giá, nhận xét về sản phẩm thuyết trình của các nhóm.
Học sinh thích thú tham gia
Thuyết trình về bài thơ Cảnh khuya – nhóm của Đình Trọng khiến lớp học trở nên sôi động khi vừa phân tích, nhóm vừa gợi mở để các bạn trong lớp trả lời câu hỏi.
Đảm nhiệm vai trò thuyết trình, dẫn dắt trong tiết học, Đình Trọng cho biết bản thân tự tin hơn khi được “nói nhiều hơn”, tiết học trở nên thú vị hơn. “Chúng em được chủ động chọn bài thơ mình yêu thích để giới thiệu, phân tích chứ không phải chỉ đóng khung trong một bài thơ trong sách giáo khoa như trước đây. Khi lớp học diễn ra tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh, em thấy sự gần gũi của không gian văn hóa về Bác khi gắn liền với bài học một cách dung dị, giản đơn. Qua đó, giúp em hiểu thêm nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh…” – Đình Trọng bày tỏ.
Học sinh sắm vai "ca sĩ khách mời" trong tiết học, trình bày bài hát về Bác
“Khoác” lên mình tấm áo chuyên gia, ban giám khảo trong tiết học để đánh giá, nhận xét phần thể hiện của các bạn trong lớp, với Vũ Nghi – học sinh lớp 10A4 – đây là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Vũ Nghia chia sẻ: Trước đây, khi học văn, chúng em phải học phân tích tác phẩm, học thuộc tác phẩm. Còn hiện nay, việc học văn, chúng em được sắm vai, được chủ động chọn lựa tác phẩm mình yêu thích, sử dụng những kỹ năng đã được trang bị để “chinh phục” tác phẩm đó. Khi không còn rập khuôn như những tiết học đơn thuần, tiết học trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Theo cô Hồ Thị Thanh Thương (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Hùng Vương), khi học bài 3 trong chương trình ngữ văn lớp 10 với chủ đề Giao cảm với thiên nhiên, cô trò đã cùng thống nhất chọn chủ đề “Hồ Chí Minh – thiên nhiên là tri kỷ” để học sinh thực hành kỹ năng nghe nói.
Việc “dời” tiết học đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh thay vì bó buộc trong lớp học truyền thống, cô Thanh Thương nhìn nhận, học sinh không chỉ được giao cảm với thiên nhiên thực tế mà còn được tìm hiểu các thêm thông tin về Bác một cách gần gũi, gắn liền với bài học, qua đó thực hiện hiệu quả việc giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Học sinh sắm vai chuyên gia, trao thưởng cho nhóm xuất sắc
“Trước khi bước vào tiết học, 4 nhóm sẽ thể hiện phần phân tích bài thơ của Bác mà các em yêu thích nhất trên trang padlet, giáo viên đánh giá dựa trên bảng kiểm kỹ năng mức độ mà chương trình yêu cầu. Hai nhóm xuất sắc nhất được chọn để trình bày trong tiết học tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh” – cô Thương nói.
Cũng theo cô Thương, khi học sinh được tự chọn những vai như diễn viên, nhà báo, ca sĩ, MC…, giúp các em có thêm những trải nghiệm mới mẻ, thể hiện được năng lực của bản thân, góp phần định hướng nghề nghiệp sau này.
“Với bộ môn ngữ văn trong chương trình GDPT 2018, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn để học sinh nắm các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói. Khi nắm chắc những kỹ năng này, các em sẽ làm chủ được bộ môn, không còn kiểu học dập khuôn văn mẫu. Song, để học sinh nắm chắc được kỹ năng đó thì giáo viên phải trao cho học sinh cơ hội để các em thể hiện. Như vậy, giáo viên phải chủ động đổi mới không gian lớp học, đổi mới phương pháp giảng dạy…” – cô Thanh Thương nhìn nhận.
Không gian Hồ Chí Minh trong trường học phải là không gian “sống”
Theo cô Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5), không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhà trường xây dựng là một không gian “sống” khi được đưa trực tiếp vào các bộ môn, thông qua những tiết học với không gian mở tại đây.
Cô trò thích thú tham gia tiết học mở
Điều đặc biệt, không chỉ dừng ở không gian vật lý, với mỗi tiết học còn được giáo viên thiết kế thêm trên không gian trực tuyến qua các mã QR phù hợp với từng nội dung môn học. Với tiết ngữ văn, giáo viên đã thiết kế thêm mã QR trên giấy, trên các móc khóa với chủ đề về một số tác phẩm tiêu biểu của Bác cũng như tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác, một số bài thơ về Bác do cô, trò nhà trường sáng tác…
“Năm học này, nhà trường đẩy mạnh việc tổ chức các tiết học mở tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các môn học. Điều này vừa giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa tích hợp một cách hiệu quả việc giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác…” – cô Thủy cho hay.
Từ thực tế triển khai tại trường, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương nhìn nhận, việc đổi mới không gian lớp học chỉ dừng ở việc đưa học sinh đi học tập trải nghiệm ngoài nhà trường mà có thể được tận dụng ngay từ chính những thiết chế văn hóa trong trường học. Từ không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thư viện, góc sân trường… đều có thể trở thành không gian lớp học, để học sinh được thể hiện và phát huy năng lực. Khi được trao cơ hội, mở ra môi trường học tập mới, học sinh thích thú hơn, thêm yêu thích bộ môn…
Yến Hoa
Bình luận (0)