1. Khi chấm bài Tập làm văn, cô giáo H. thấy bài viết của em V. có ý tưởng phong phú, văn viết mạch lạc, gãy gọn, cô mạnh dạn cho em điểm 9. Chấm tiếp đến bài của em M., Ng., L.,… cô thấy các bài sau cũng nhiều ý giống em H., nhưng có điều các em khôn ngoan hơn, đã “xào nấu”, đảo thứ tự ý, thêm mắm, dặm muối cho bài khác đi chút. Kiểm tra kỹ, cô thấy các em học sinh đã chép bài văn mẫu từ trên mạng xuống. Ở các lớp khác cũng xảy ra nhiều trường hợp như vậy.
Vậy cô giáo phải chấm sao đây? Chẳng lẽ cô lại đi chấm điểm các bài văn mẫu viết thiệt hay đăng trên mạng? Chẳng lẽ lại cấm các em sử dụng tư liệu trên mạng internet cho học tập?
2. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ, chỉ cần có máy tính cá nhân, smartphone, iPad, một chân trời kiến thức mở rộng trước mắt các em. Ngồi ở nhà, học sinh có thể nhìn thấy cả thế giới; chỉ một cái nhấp chuột, các em có thể học được nhiều điều vô cùng phong phú. Đặc biệt, trên mạng hiện có đủ các môn học được biên soạn chi tiết, có đáp án, lời giải rõ ràng. Các em có thể tự tìm hiểu, nắm bắt kiến thức. Thậm chí về thao tác trên internet, các em tiếp thu nhanh và thành thạo hơn cả người lớn.
Ngày xưa, muốn tìm tư liệu học văn rất khó. Học sinh, sinh viên phải vào thư viện hoặc ra hiệu sách lui cui chép từng hàng, từng trang, công phu, khó nhọc. Mà đâu phải tư liệu nào cũng dễ tìm, tác phẩm nào cũng có sẵn! (Lúc đó cũng không có máy ảnh tự động để chụp).
Ngày nay, muốn tra cứu, chỉ cần tìm đến “ông thầy Google”, đánh máy dòng chữ có liên quan là có thể thấy một rừng ý tưởng hiện ra, tha hồ mà sử dụng. Ta có thể tìm được nguồn tư liệu phong phú, nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước, những bài phân tích, bình luận thật hay và sắc bén của những tác giả có uy tín. Muốn tìm câu văn, lời thơ, ý nhạc để trích dẫn, minh họa cho bài văn cũng dễ. Ngoài ra, các em có thể download hình ảnh hoặc những thước phim giá trị về để trình chiếu cho bài học của mình. Lợi thì có lợi nhưng hại cũng không ít! Lúc nào cũng “mở mạng”, học sinh sẽ lười suy nghĩ, động não, mất đi sự sáng tạo.
3. Trước tình trạng bùng nổ thông tin, giáo viên không còn là người duy nhất nắm giữ chìa khóa tri thức. Vai trò người thầy từ chỗ truyền đạt kiến thức trở thành người cố vấn, hướng dẫn, người kèm cặp (Coach). Đối với môn văn, khi làm bài, không sợ học sinh thiếu ý mà chỉ lo các em bị choáng ngợp trước nhiều ý lại viết lung tung. Như vậy, giáo viên cần dạy học sinh cách truy cập và xử lý thông tin. Cần hướng dẫn học sinh tìm tư liệu ở những trang web uy tín trên mạng, giới thiệu sách hay để đọc. Dạy các em cách thiết lập dàn ý rồi từ đó biết chọn lọc ý tưởng cho phù hợp với từng ý, từng vấn đề đặt ra. Sau đó biết cách diễn đạt (bằng văn viết và văn nói) sao cho khúc chiết, mạch lạc.
Trong khi giảng, thầy nên đưa ra những câu hỏi tư duy buộc học sinh phải động não, suy nghĩ, thể hiện cảm thụ cá nhân. Hướng dẫn học sinh trình bày sự cảm nhận của mình về bài văn, thơ, chứ không lệ thuộc vào tài liệu, sách vở. Cách ra đề thi văn cũng phải đổi mới: Trong những năm gần đây, đề văn không ra theo lối học thuộc lòng mà buộc thí sinh phải suy nghĩ. Ví dụ, phân tích một vấn đề thời sự, một nhân vật; giải quyết một tình huống, một hiện tượng trong cuộc sống… Như vậy học sinh sẽ không làm văn theo lối mòn mà đòi hỏi phải trang bị vốn sống, biết quan sát, cảm nhận, kỹ năng nhận định, phân tích một vấn đề. Giáo viên cần tổ chức những hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh tăng hứng thú học văn như: sân khấu hóa, đóng tiểu phẩm, thi giới thiệu sách, làm phim văn học, tham quan những địa điểm gắn với tác phẩm đã học. Đặc biệt, người giáo viên vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền lửa, tạo cảm xúc cho học sinh trong tiết văn. Máy tính không thể làm được việc này! Từ sự cảm thụ văn học và năng lực của mình, bằng lời giảng tâm huyết, người thầy sẽ truyền cảm hứng, rung động cho học sinh qua từng bài văn. Chính thầy cô sẽ giúp cho trẻ thấy niềm vui thực sự khi học văn, để từ đó dạy các em làm người, biết tôn trọng lẽ phải, giàu lòng nhân ái.
Dù xã hội có tiến bộ đến đâu, thầy cô giáo vẫn luôn là người thắp lửa, soi đường để giúp học sinh khám phá kiến thức và rèn luyện thành những người có bản lĩnh, tự chủ, đam mê, tôn trọng tri thức. Máy tính dù hiện đại đến đâu cũng không thể nào thay thế được tâm hồn người thầy.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)