Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học văn tốt hơn nhờ viết nhật ký

Tạp Chí Giáo Dục

Thói quen viết NK giúp em Khả Trân cảm thụ nội dung tác phẩm văn học tốt hơn

Nhật ký (NK) là phương tiện để người viết bày tỏ những kỷ niệm, cảm xúc của bản thân. Từ đó, việc viết NK đã tác động tích cực không nhỏ đến việc học bộ môn văn bởi người viết biết cách thể hiện cảm xúc cũng như trình bày câu chữ.
Nơi cất giữ kỷ niệm
Sau 5 năm viết NK, Đặng Khả Trân, học sinh lớp 9A9 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), đã có nhiều cuốn sổ dày chất chứa cảm xúc. Những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày được cô bé ghi vào sổ từ năm học lớp 5 trước lúc đi ngủ như một thói quen. Khả Trân cho biết: “Lần đầu bị ba mẹ la vì phạm lỗi, buồn quá không biết bày tỏ cùng ai, em liền lật sổ ra ghi vào. Riết rồi thành thói quen lúc nào không hay. Mỗi ngày em đều đem những câu chuyện ấn tượng từ học hành, bạn bè, người thân gia đình… ghi vào sổ. Giờ đây những câu chuyện ấy trở thành những kỷ niệm dễ thương, đáng nhớ”.
Không thua kém, Thúy Nhi, bạn cùng lớp Khả Trân cũng có một “tài sản” đáng nể: Nhiều cuốn sổ dày lưu lại cảm xúc, kỷ niệm về bạn bè, gia đình từ năm học lớp 4 của em. Thúy Nhi tâm sự: “Em không ngờ mình lại có thói quen viết NK vì nhiều bạn cho rằng viết NK sẽ nhanh chán, rồi cũng có ngày bỏ cuộc. Song không phải vậy, mỗi khi đọc lại những gì đã “chia sẻ” trong NK khiến em nhìn nhận lại những giá trị mình trải qua để rút kinh nghiệm cho bản thân. Thật thú vị. Giờ em xem NK như người bạn, không thể thiếu trong cuộc sống”. Hiện giờ cứ có niềm vui, nỗi buồn xảy ra trong ngày là Thúy Nhi ghi vào sổ. Có khi chỉ là một vài câu, nhưng có khi lên đến cả trang giấy, thậm chí dài hơn…
Ngoài Khả Trân và Thúy Nhi, một số bạn trẻ hiện cũng có thói quen viết NK từ sớm, biết cách biến NK thành phương tiện để gửi gắm những cảm xúc trong mỗi câu chuyện khác nhau. Theo thời gian, cảm xúc ấy trở thành kỷ niệm đẹp, thân thương, những bài học về giá trị cuộc sống. Điều đáng nói như sự chia sẻ của Khả Trân và Thúy Nhi thì viết NK giúp các em học văn tốt hơn, cụ thể biết cảm nhận tác phẩm văn học. “Khi ghi một điều gì đó vào NK có nghĩa là mình đang nhìn nhận và đánh giá lại một sự việc, mang theo cảm xúc vui buồn từ cuộc sống. Các tác phẩm văn học cũng thể hiện nội dung câu chuyện từ cuộc sống, có vui, có buồn. Đọc vào chúng em dễ nhận ra vấn đề để đánh giá sự việc mà cảm thụ”, Khả Trân chia sẻ.
Xuân Trọng, học sinh lớp 9A7 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cũng khẳng định viết NK giúp em biết cách liên hệ các giá trị từ thực tế để hiểu hơn những gì mà tác giả các tác phẩm văn học muốn thể hiện. Khi đã hiểu được vấn đề thì việc học một bài văn không mấy khó khăn. Ngoài ra, viết NK giúp Xuân Trọng trình bày câu cú trong một bài văn được mạch lạc hơn so với trước đây. Xuân Trọng cho biết: “Viết NK là bạn đang tập cách trình bày một câu chuyện thông qua câu từ. Ban đầu có thể lủng củng, không hay nhưng theo thời gian câu chuyện của bạn thể hiện trong NK suôn sẻ, hay hơn”.
Viết từ sự việc để lại cảm xúc
Theo cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, người viết NK luôn có xu hướng bộc lộ thái độ, cảm xúc. Điều này được lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ giúp người viết “nuôi dưỡng” nguồn cảm xúc phong phú… Cô cho biết: “Người viết NK sẽ có “phản xạ” diễn đạt cho được cảm xúc, tình cảm của mình và việc dùng nhiều loại từ vựng khiến người viết phát triển về khả năng sử dụng ngôn ngữ. Bên cạnh đó, thói quen phân tích, cảm nhận những xúc cảm chủ quan, vốn ẩn sâu trong tâm hồn con người dần dần giúp người viết trở nên dễ xúc cảm và cảm xúc cũng trở nên tinh tế. Đi ra cuộc sống, người viết có được thói quen quan sát những biến chuyển tâm trạng của người khác, dễ có sự đồng cảm với những người xung quanh. Tất cả ích lợi trên tốt cho việc học văn, nhất là quá trình đọc – hiểu văn bản cũng như phân tích, cảm nhận văn học, viết bài nghị luận xã hội…”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thói quen và thích viết NK. Cuộc sống hiện nay khá bận rộn, xô bồ khiến giới trẻ không có thời gian để viết. Hơn nữa, so với ngày trước HS thường tìm đến NK, giữ kín mọi chuyện riêng tư cho bản thân thì HS ngày nay thường giãi bày cảm xúc một cách rộng rãi trên các trang mạng xã hội, đón nhận sự phản hồi, quan tâm của người khác là chính. Hoặc nếu có viết thì thường hay bỏ cuộc. Vì thế để HS có thói quen viết NK thật không dễ.
Cô Phạm Thị Vân Hương, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho biết: “Để giúp HS có thói quen viết NK, giáo viên và cha mẹ nên khuyến khích các em thường xuyên làm việc này, phù hợp nhất là khi các em học lớp 6. Viết từ những sự việc nhỏ nhất, những sự việc để lại cảm xúc. Không đòi hỏi viết nhiều, có thể viết một câu hoặc vài câu… Dần dần các em biết cách tự thể hiện những cảm xúc của mình”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Mỹ Hạnh chỉ dẫn: Giáo viên nên khuyến khích bằng cách phân tích cái lợi của việc có NK và viết NK. Viết NK giúp các em rèn khả năng viết văn; thấy rõ sự thay đổi của bản thân; biết quan tâm, nhìn nhận, đánh giá về người xung quanh; dần có thói quen chia sẻ; là một “món quà của quá khứ” cho tương lai… Song song đó, hướng dẫn HS ghi những sự việc chính hoặc những sự việc đặc biệt liên quan đến bản thân, hay những điều mà bản thân quan tâm mỗi ngày. Có thể chọn thời gian nhất định hoặc có thể viết bất cứ khi nào miễn là có cảm giác muốn ghi lại những điều mình đang suy nghĩ. Có thể lưu giữ một vài hình ảnh của bản thân ở đâu đó giữa các trang NK, vẽ thêm hình trang trí hoặc minh họa nếu thích. Mỗi tuần, mỗi tháng nên đọc lại NK trước đó. Có thể ghi thêm ở chỗ còn trống những cảm xúc mới, trải nghiệm, những nhìn nhận, đánh giá mới về bản thân. Viết dài hay ngắn không quan trọng, tùy thuộc vào cảm xúc và thời gian có được. Nên để cuốn sổ vào nơi kín đáo, chỉ riêng mình biết.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Người học văn yếu thường khó khăn trong việc cảm thụ, đánh giá tác phẩm vì không giàu tâm hồn. Viết NK tạo điều kiện để tâm hồn được nuôi dưỡng, theo đó giúp người viết cảm nhận giá trị văn học tốt hơn”, cô Vân Hương chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)