Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học văn trên… sân khấu

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chẳng khác gì những thiếu nữ ngày xửa ngày xưa   Chiều 9-11, tổ Ngữ văn Trường THPT Võ Trường Toản tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với nội dung “Văn học dân gian”  cho học sinh toàn trường. Đây là một loại hình sinh hoạt thường kỳ trong chương trình, nhưng với cách làm mới mẻ của trường đã tạo được sự hứng thú và lôi cuốn học sinh. Các sân chơi ngoại khóa bổ ích như thế này không chỉ hỗ trợ và bổ sung kiến thức văn học mà còn kéo học sinh đến với bộ môn.

Sân chơi đa dạng

Nhiều loại hình sân khấu đã được các em mang ra thi thố như: kịch, hoạt cảnh, hát dân ca, múa dân tộc … và các diễn viên hay ca sĩ không chuyên trình bày trên sân khấu  cũng chính là học sinh của trường. Lời thoại còn ngô nghê, giọng ca còn vụng về, thậm chí có “ca sĩ” hát sai nhịp nhưng luôn được đón nhận những tràng pháo tay của các bạn. Một không khí sôi nổi tràn ngập hội trường 400 chỗ ngồi. Cô Thùy Trang, tổ trưởng tổ Ngữ văn cho biết: “Kịch bản do chính học sinh tự soạn; trang phục do chính các em trang bị và may sắm. Nhà trường chỉ giao đề tài bằng một hay hai tác phẩm văn học dân gian có trong chương trình”. Cô Thùy Trang tâm sự tiếp: “Thật ra khi giao đề tài và chờ các em nộp lại kịch bản chúng tôi cũng hồi hộp và lo lắng. Tham vọng của chúng tôi muốn cho học sinh phát huy tính sáng tạo và vận dụng sự sáng tạo thông qua tác phẩm văn học. Chúng tôi cũng có tâm trạng lo âu: liệu đòi hỏi của nhà trường có vượt quá khả năng của các em? Nhưng, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi đọc kịch bản và chương trình của từng lớp. Nhiều ý tưởng lạ đã làm chúng tôi ngạc nhiên”. Được biết, đối tượng tham gia “Sân chơi chiều chủ nhật” chỉ dành cho lớp 10, vì nội dung đề tài là văn học dân gian trùng khớp với chương trình học. Nhưng số đội tham gia lên đến 20 đội, trong đó có 4 đội của khối 11. Em Ngọc Phi, học sinh khối 11, sau khi biểu diễn vở kịch vui vẻ nói: “Kịch bản do chính em tự soạn, diễn viên là các bạn trong lớp. Chúng em rất tự tin về các vai diễn của mình, nhưng chắc khó đoạt giải, bởi thiếu chuẩn khâu trang phục. Nhìn các em khối lớp 10, chuẩn bị trang phục kỹ quá, chúng em hồi hộp lắm”.

“Thổi” hồn dân tộc vào lòng học sinh

Thầy Hồ Đắc Anh, hiệu trưởng trường nói: “Mục đích của nhà trường là tạo sân chơi cho các em. Thông qua sân chơi này chúng tôi mong các em yêu thích văn học dân gian hơn; các em thấy rõ hơn những tinh hoa, giá trị của văn học dân gian. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong, qua “sân chơi” này, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính sáng tạo, tính tự chủ, sự tự tin…”. Cô Thùy Trang cho biết thêm: “Chúng tôi không khép kín giới hạn đề tài chỉ chọn văn học dân gian Việt Nam mà còn mở rộng cả văn học dân gian của một số nước trên thế giới như: Cô bé lọ lem, Công chúa ngủ trong rừng, Cô bé bán diêm…”. “Để hoàn thành một kịch bản, chúng em phải nghiên cứu kỹ tác phẩm, thu thập tư liệu liên quan đến tác phẩm. Quá trình viết kịch bản, chúng em phải nhờ sự tư vấn của giáo viên bộ môn; Trang phục cho vai diễn tốn kém không nhỏ, như vở diễn của lớp chúng em có 6 vai và tiền trang phục nhiều lắm, nhưng không tiết lộ được ạ!”, một học sinh nữ khối lớp 10 cho biết. Chứng kiến các vở diễn của các em với áo mũ cân đai không khác diễn viên của một đoàn hát thực thụ mọi người mới thấy được sức lôi cuốn. Em Nguyễn Quỳnh Anh bày tỏ: “Em mong muốn trường sẽ thường xuyên tổ chức những chương trình như vậy để cho chúng em trau dồi thêm kiến thức và tạo sự tự tin khi đứng trước đám đông”.

Những nét son, phấn trang điểm còn chưa kỹ càng; diễn xuất còn vụng về, ngô nghê…, tất cả đều được khán giả cho qua. Bởi, các em thể hiện các vai diễn rất thật và bằng cả tâm hồn.

T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)