Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học văn trong… màu áo lính

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh hóa thân thành các cô thanh niên xung phong trong vở kịch “10 cô gái Ngã 3 Đồng Lộc”

Đây là cách học văn đầy ấn tượng của học sinh khối 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) với dự án “Còn mãi với thời gian” do Tổ Ngữ văn nhà trường thực hiện. Thay vì học những tác phẩm văn học đơn lẻ về người lính trong chương trình SGK, ở dự án “Còn mãi với thời gian”, học sinh khối 12 đã được mở rộng, tìm hiểu các tác phẩm về người lính trải dài trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Song song với đó, mỗi lớp được chia ra làm 3 nhóm tìm hiểu về tác giả, tác phẩm; xây dựng kịch bản, diễn xuất; phụ trách làm đạo cụ cho vở kịch từ những vật liệu tái chế. “Không chỉ hiểu về tác phẩm trong chương trình học, qua quá trình tìm hiểu và xây dựng kịch bản, các em còn hiểu rõ hơn về tác giả, kiến thức lịch sử trong thời đại đó. Những kịch bản được học sinh xây dựng trên tinh thần của các tác phẩm văn học như Tây Tiến, Cúc ơi, Những ngôi sao xa xôi…, nhưng được các em gửi gắm vào trong đó những tâm tư, tình cảm của chính người lính sống tại thời đại đó. Là quyết tâm chiến đấu; là vẻ đẹp tâm hồn dù gian khổ nhưng vẫn tha thiết yêu người, yêu đời; là lý tưởng tuổi trẻ, tình đồng chí, đồng đội”, cô Huỳnh Thị Thúy Hằng (Tổ trưởng Tổ Ngữ văn nhà trường) chia sẻ.

Theo cô Hằng, thông thường khi dạy những tác phẩm về người lính sẽ không mang đến sự hứng thú cho học sinh vì… nội dung quá khô khan. Nhưng khi được hóa thân thành người lính, khoác trên mình bộ áo lính, các em được sống, hy sinh, trải qua cảm giác mất mát, đau thương cùng niềm vui, nỗi buồn của người lính. “Có những ngày toàn trường rực màu áo lính, sân trường biến thành doanh trại. Chỉ khi sống trong cùng một thời đại, các em mới hiểu hết những giá trị lịch sử, giá trị nhân đạo mà các tác phẩm mang lại. Qua đó mới thấu hiểu phần nào những hy sinh, mất mát, nỗi đau chiến tranh gây ra. Rất nhiều nhân vật văn học đều đi từ chính thực tế nhưng nếu không tự tìm hiểu, chưa chắc các em đã biết được rằng ngày xưa có những con người như thế. Môn văn, ngoài kiến thức còn bồi đắp cho học sinh tâm hồn, lý tưởng, khơi lên lòng tự tôn, dạy các em biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và dân tộc”, cô Hằng cho biết.

Khoác lên mình màu áo lính khi sắm vai Cúc trong vở kịch “10 cô gái Ngã 3 Đồng Lộc”, Đỗ Thu Hằng (lớp 12A7) rưng rưng nước mắt cho biết bản thân thực sự xúc động trước lý tưởng mà những người trẻ trong thời đại đó đã sống và cống hiến. “Hòa bình thật sự được đánh đổi bằng chính máu xương của bao thế hệ. Trong thời bình, có thể nhiều bạn trẻ như chúng em ít được biết về chiến tranh nhưng qua dự án “Còn mãi với thời gian”, em tin rằng không chỉ bản thân mình mà bạn bè đã học được nhiều hơn là những kiến thức văn học. Đó là bài học về lý tưởng và trách nhiệm của tuổi trẻ, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc gọi tên”, Thu Hằng chia sẻ.

Với tính giáo dục cao, năm học 2018-2019 là mùa thứ 2 dự án “Còn mãi với thời gian” được Tổ Ngữ văn Trường THPT Lương Thế Vinh thực hiện.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)