Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học về sức khỏe sinh sản từ lớp 5

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ sản khoa đang giải đáp thắc mắc cho học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM – Ảnh: B.Thanh

Phụ huynh lo lắng việc dạy về sức khỏe sinh sản ngay từ lớp 5 là “vẽ đường cho hươu chạy”, còn giáo viên thì cho rằng giai đoạn này là cần thiết.

Phụ huynh: chưa nên, giáo viên: cần thiết

Chị L.T.T ở hẻm 107B Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM tỏ thái độ bức xúc khi cho rằng mới lớp 5 mà chương trình SGK đã đề cập đến những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sự thụ tinh… là quá sớm. Và chị L.T.T quả quyết rằng nếu để học sinh tiếp cận với những kiến thức đó sớm, vô tình sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Còn chị N.T.M.Quyên – phụ huynh học sinh ở Q.Thủ Đức thì cho rằng học sinh lớp 8 trở lên mới cần học đến những kiến thức đó.

Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này với người trong ngành giáo dục thì chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến trái với quan điểm của các phụ huynh. Bà Võ Ngọc Thu – Phó trưởng Phòng Giáo dục Q.5 khẳng định: “Từ khi Bộ GD-ĐT thực hiện thay SGK thì những nội dung về giáo dục giới tính mới được đưa vào sách Khoa học lớp 5. Việc này là bình thường, không sớm và từ thực tế phát triển của xã hội hiện nay thì chúng ta cần mạnh dạn đưa nó vào chương trình giáo dục phổ thông.

Từ đó đặt ra đòi hỏi các giáo viên cũng phải mạnh dạn dạy, trả lời các thắc mắc của con trẻ”. Đồng tình với quan điểm trên, ông Lý Văn Huệ – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1) cho rằng: “Kiến thức về sức khỏe sinh sản nên đưa vào ngay từ giai đoạn lớp 5 vì hiện nay học sinh nữ phát triển khá sớm, học sinh nam có thể phát triển chậm hơn. Bên cạnh đó, do tầm nhận thức và hiểu biết của phụ huynh không đồng đều nên nhất thiết phải đưa kiến thức vào chương trình giáo dục để hướng dẫn hiểu biết kịp thời cho học sinh”.

Hộp thư “Điều em muốn nói”

Hiện nay khi thực hiện công tác giảng dạy, để tránh ngượng ngùng cho giáo viên khi dạy, đặc biệt là giáo viên chưa có gia đình cũng như giữa học sinh với nhau thì các trường đã phân giáo viên nam dạy học sinh nam, giáo viên nữ dạy học sinh nữ. “Tuy nhiên sau khi học vẫn còn một số học sinh nữ thắc mắc như: “Trong những ngày đến tháng, con ngồi cạnh bạn trai con thích hoặc con và bạn cầm tay nhau thì có sao không?”, bà Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) dẫn chứng. Vì vậy, bà Điệp cho rằng trong nhà trường, những kiến thức cô giáo hoặc thầy giáo cung cấp cho học sinh chỉ là những kiến thức cơ bản. Để giải thích một cách cụ thể và khoa học thì cần có sự giúp đỡ của các chuyên viên tâm lý, bác sĩ sản khoa.

Hiểu rõ được tâm lý của học sinh, không phải em nào cũng mạnh dạn đặt câu hỏi trong các buổi nói chuyện của các chuyên viên hay bác sĩ nên một số trường đã cho đặt hộp thư “Điều em muốn nói” để các em được tự do, thoải mái nêu những thắc mắc của mình. Sau đó nhà trường tổng hợp để mời chuyên viên đến nói chuyện.

Bà Lê Nhân Ái – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10) cho biết: “Đầu tiên hộp thư chỉ nhận được các thông tin đơn giản về thực đơn các bữa ăn nhưng càng về sau chúng tôi nhận được những thắc mắc không thể giải thích đơn thuần mà rất cần sự trợ giúp của các chuyên viên tâm lý và các bác sĩ. Bắt đầu từ năm học này, định kỳ 2 buổi/tuần nhà trường đều có chuyên viên tâm lý trực “Góc tư vấn” để giải đáp mọi thắc mắc cho học sinh”.

Tuy nhiên, hiệu trưởng một số trường còn cho biết, có gia đình, bố mẹ không quan tâm thường xuyên đến con em mình. Có em đến tuổi dậy thì mà không được gia đình chuẩn bị trước về tâm lý khi đối diện với sự biến đổi của cơ thể…

Về góc độ chuyên môn, thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy – giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM giải thích: Lớp 5 là giai đoạn cuối tuổi nhi đồng, bắt đầu bước sang tuổi thiếu niên. Xét về tâm lý thì đây là giai đoạn bình yên nhưng ở một số học sinh thì đây là giai đoạn phát dục, biến đổi sinh lý dẫn đến biến đổi tâm lý…

Trước mỗi thắc mắc của học sinh, gia đình cũng như nhà trường phải tư vấn, giải đáp cho các em dựa trên 3 nguyên tắc như chính xác – khoa học, đạo đức và hướng tới lối sống lành mạnh. Vì vậy, cha mẹ không nên né tránh trước những câu hỏi về giới tính của con em mình mà cần tiếp cận các thông tin ở các trang web hướng dẫn cách dạy con… Còn nếu như không tìm ra cách giải thích hợp lý hoặc không tự tin nói chuyện vấn đề này thì phụ huynh cần đến các trung tâm tư vấn để tham vấn.

Bích Thanh (Theo TNO)

Bình luận (0)