Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Học viện cải lương: Chưa hay dù có nhiều điểm mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn 2 tháng phát sóng với 12 tập, chương trình "Học viện cải lương" gây chú ý khi trao 5 giải Quán quân và 5 giải Á quân

NSND Bạch Tuyết với vai trò viện trưởng của chương trình đã hài lòng trước nỗ lực của các thí sinh. Tuy nhiên, chương trình khép lại với nhiều ý kiến trái chiều về tính nghệ thuật truyền thống cần được xây dựng chuẩn mực trước khi đưa đến công chúng trẻ.

Cải lương cho gen Z

Trong thời gian vừa qua đã có khá nhiều giải thưởng, cuộc thi về cải lương như: "Bông lúa vàng" (VOH), "Chuông vàng vọng cổ" (HTV), "Mộc quán – Nguyễn Trọng Quyền" (TP Cần Thơ) hay "Giọt nắng phù sa", "Đường tới danh ca vọng cổ", "Tài tử miệt vườn", "Ngôi sao miệt vườn"… Tất cả đều nhắm vào mục tiêu giúp giới trẻ hiểu và cùng bảo vệ di sản quý mà ông cha đã kiến tạo trên vùng đất phương Nam.

Mới đây đã có thêm chương trình "Học viện cải lương" (HVCL). Có thể nói đây là hướng khai phá mới của HTV cho loại hình cải lương trong thời kỳ số hóa. HVCL được thực hiện bởi một ê-kíp trẻ trung, năng động. Mục tiêu của HVCL là xây dựng một hình ảnh giới trẻ có kiến thức văn hóa, giỏi ngoại ngữ mà vẫn đam mê tham gia biểu diễn cải lương.

NSND Bạch Tuyết khi phân tích về chuyên môn đã nhắc cụm từ "cải lương cho thế hệ gen Z" và HVCL sẽ hướng đến việc gầy dựng một thế hệ đào kép trẻ trung phục vụ khán giả đồng trang lứa.

Theo các nhà chuyên môn, HVCL đã có sự chuẩn bị khá tốt các nội dung thời sự như: tình dục trong giới trẻ; hoang mang trước sự bùng nổ của mạng xã hội; sự mất kết nối trong thời đại số của các thế hệ; người Việt thời hội nhập… ; những bài học quý được truyền cảm hứng từ các nghệ sĩ đi trước như: NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NSƯT Diệu Hiền, NSND Hữu Quốc…

Học viện cải lương: Chưa hay dù có nhiều điểm mới- Ảnh 1.

Tiết mục “Hòa bình cho tình yêu” trong đêm chung kết “Học viện cải lương”. Ảnh: Học viện cải lương

Nhiều tranh cãi

Ngoài những yếu tố tích cực đã nói ở trên, những người trong cuộc cho rằng HVCL có phần nóng vội khi rời xa tính truyền thống của cải lương. HVCL chưa làm rõ được câu hỏi giới trẻ mong mỏi gì ở sân khấu cải lương, lại sa đà vào việc làm mới cải lương để gọi là giúp cải lương gần hơn với giới trẻ.

Trước đây trong các cuộc hội thảo khoa học về nghệ thuật cải lương, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đã từng phân tích: "Việc các gameshow chọn tiết mục cải lương đưa lên sóng là chưa chuẩn, giới trẻ tự hỏi cải lương là như vậy sao? Do thiếu thận trọng, một số gameshow đã giết chết cải lương". Còn tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng: "Không phải bài rap, rock được gắn với bài vọng cổ là cách làm mới cải lương. Phải có sự chọn lọc và thận trọng".

Hoàn toàn có thể đồng cảm với nỗ lực xây dựng HVCL thành nơi quảng bá nghệ thuật cải lương mới nhưng rõ ràng là thiếu sự chuẩn bị thấu đáo. Giá như trước đó HVCL tổ chức đợt sáng tác để chuẩn bị nguồn kịch bản mới thì có lẽ HVCL sẽ không có một số tiết mục bị cho là sử dụng ngôn từ phản cảm trong câu ca.

Cụ thể, ở tập 8 lời ca "Sao anh không sử dụng bao cao su, để giờ đây sự việc mới tầy huầy?…" (trong trích đoạn "Thế giới ảo" của tác giả Dunal Trần), đã làm dậy sóng mạng xã hội, bởi cách dùng ngôn từ có phần thô vụng trong lời ca, thay vì chỉ dùng trong câu thoại.

Chưa kể đến việc thí sinh sử dụng trích đoạn của NSND Hữu Quốc mà không xin phép, tự ý sửa tên tác giả là việc làm khiến dư luận không hài lòng khi nhắc đến HVCL. Đã yêu cải lương thì trước hết phải có lòng tự trọng. Dù sau khi ban tổ chức xin lỗi tác giả và tháo gỡ trích đoạn này, nhưng NSND Hữu Quốc vẫn chưa hài lòng với cách ứng xử của ê-kíp thực hiện chương trình.

Ngoài ra, dư luận cũng không hài lòng việc đưa nhãn hàng tài trợ vào lời ca, như: "Chút nữa, chị nhờ bà vú lấy cho em mấy chai dầu gội Fresh, bảo đảm em sẽ có mái tóc khỏe đẹp sau lần gội đầu tiên…" (tập 6, phút 60) đã khiến HVCL nghiêng về màu sắc thương mại nhiều hơn là tuyển chọn tài năng cho nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, khi thí sinh trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh, cho thấy chỉ một vài thí sinh phát âm đúng. Việc biết nói tiếng Anh, đam mê cải lương và ca vọng cổ kiểu opera không thể áp đặt vào cải lương. 

Các nhà chuyên môn cho rằng, thế hệ gen Z thích cải lương cần có một không gian mang tính chuyên nghiệp, nơi hướng đến chuẩn mực của bài vọng cổ và nghệ thuật diễn xuất. Họ chỉ tìm thấy mình ở trong mỗi tiết mục khi được dàn dựng thật trẻ trung, hồn nhiên và không vinh danh bất kỳ điều gì một cách gượng ép.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)