Thành lập ngày 29-5-1959, ngay sau khi nước ta ra đời bản Hiến pháp thứ hai (Hiến pháp 1959), với tên gọi là Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, công chức cho nền hành chính quốc gia.
Xây dựng học viện vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; xây dựng một nền hành chính chính quy, hiện đại phục vụ chủ trương phát triển nền hành chính quốc gia đang là mục tiêu mà Học viện hướng tới.
Gắn liền với sự phát triển Nhà nước
Là một cơ sở đào tạo cán bộ, công chức nhà nước, sự xuất hiện, trưởng thành của Học viện Hành chính luôn gắn liền với sự phát triển của Nhà nước qua những bản Hiến pháp của các thời kỳ.
Ngay trong thời kỳ chính quyền còn trong trứng nước, năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, xác định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 1947, ở chiến khu Việt Bắc đã bắt đầu có những lớp huấn luyện để bồi dưỡng cán bộ chính quyền, nhằm xây dựng một đội ngũ công chức để thực thi việc hành pháp. Đến năm 1959, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, bản Hiến pháp thứ hai ra đời – Hiến pháp 1959, thì cũng ngay lúc đó, Nhà nước ta thành lập Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ. Nội dung học tập cơ bản là phương pháp, đạo đức công tác và truyền đạt các chủ trương phát triển kinh tế HTX, xây dựng cấp huyện của Đảng và Nhà nước.
Hiến pháp 1980 ra đời sau thời kỳ đất nước thống nhất. Nhiệm vụ hành pháp lúc này nặng nề hơn, đa dạng hơn và đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản hơn. Để đáp ứng đòi hỏi đó, tháng 9-1981, Trường Hành chính TƯ trước đây thuộc Bộ Nội vụ, sau đó thuộc Phủ Thủ tướng đã chuyển lên thành Trường Hành chính TƯ trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Nhiệm vụ của trường nặng hơn, đa dạng hơn. Từ chỗ chỉ bồi dưỡng cán bộ cấp huyện, Trường Hành chính TƯ đã vươn lên bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ, trở thành trung tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý của cả nước. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của các địa phương từ chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, giám đốc các sở, ban, ngành đến các thứ trưởng, vụ trưởng thuộc các cơ quan TƯ và địa phương đều đã học qua trường này.
Hiến pháp 1992 ra đời khi mà đất nước đã bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập. Những yêu cầu quản lý nhà nước về nền hành chính quốc gia ngày càng lớn. Đặc biệt là công cuộc cải cách hành chính đã bắt đầu khởi động. Để đáp ứng được yêu cầu mới, Đảng và Nhà nước ta đã nâng Trường Hành chính quốc gia lên một cấp độ cao hơn: Học viện Hành chính quốc gia. Với Nghị định 253/HĐBT ngày 6-7-1992, Học viện Hành chính quốc gia với tầm cỡ là một cơ quan ngang bộ ra đời, đánh dấu một bước trưởng thành của hệ thống hành chính nhà nước. Trên nền tảng cũ, Học viện Hành chính quốc gia đã tập trung vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng hệ thống giáo trình và mở rộng quan hệ quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng của quy trình đào tạo. Cũng chính trong giai đoạn này, Học viện Hành chính ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống hành chính ra đã góp phần đáng kể vào công cuộc cải cách hành chính mà Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, nhằm xây dựng một nền hành chính chính quy và hiện đại.
Về sau, do yêu cầu sắp xếp lại tổ chức, năm 2002, Học viện Hành chính quốc gia lại trở về trực thuộc Bộ Nội vụ và từ 2007, hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trở thành một học viện chuyên ngành hành chính, thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền vì dân
Nhìn lại 50 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện không ngừng phát triển và càng ngày càng đa dạng. Học viện đã bồi dưỡng cho trên 90 nghìn cán bộ, công chức thuộc các bộ, ngành, cơ quan TƯ và địa phương; bồi dưỡng theo chuyên đề cho trên 10 nghìn cán bộ là giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố, cán bộ văn phòng các cấp và các nhà doanh nghiệp; bồi dưỡng khoảng 10 nghìn cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Học viện phối hợp với Bộ Nội vụ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp sau mỗi kỳ bầu cử; bồi dưỡng và thi nâng ngạch cho hàng vạn công chức. Học viện đã đào tạo chính quy hơn 10 khóa đại học với hàng vạn cử nhân hành chính; mở 14 khóa cao học, trong đó có hàng ngàn thạc sĩ đã tốt nghiệp. Học viện cũng đã thực hiện đào tạo tiến sĩ cung cấp nguồn nhân lực cao cấp cho nền hành chính quốc gia. Đến nay, Học viện đã có một đội ngũ giảng viên đủ năng lực và phẩm chất để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về khoa học hành chính, với 40 giáo sư, phó giáo sư, trên 200 tiến sĩ và thạc sĩ, còn lại là cử nhân đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo. Ghi nhận những thành tích đó, Học viện đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập các hạng. Nhiều đơn vị, cá nhân của Học viện cũng được tặng huân chương cao quý.
Đất nước ta đang không ngừng phát triển và giàu mạnh. Công cuộc cải cách hành chính đã khởi động, vận hành được 15 năm và thu đuợc một số thành tựu. Nhìn lại, nền hành chính của chúng ta còn hạn chế, bất cập, chưa hiệu quả, hiệu lực, chưa thông suốt. Dân chưa bằng lòng với những quyết định và cư xử của chính quyền và công chức. Đây cũng là điều mà CB, GV, CNV của Học viện đang trăn trở để cố gắng cải tiến chương trình, nội dung đào tạo, phát triển các chuyên đề ứng dụng để làm cho người học thấu hiểu trách nhiệm và công việc của mình, từ đó làm tốt chức trách của một công chức phục vụ nhân dân. Tất cả vì mục tiêu cải cách hành chính và tạo được đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền vì dân, được dân ủng hộ, tin yêu.
PGS-TS Nguyễn Trọng Điều
Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Hành chính
Theo Hà Nội mới
Bình luận (0)