Mặc dù đã 80 tuổi, cái tuổi gọi là “xưa nay hiếm” nhưng PGS.TS Nhan Trừng Sơn hàng ngày vẫn miệt mài lên giảng đường và chăm chỉ đạp xe đi học tiếng Anh với mục đích phòng bệnh Alzheimer (bệnh đãng trí) ở người già.
PGS.TS Nhan Trừng Sơn đang ngồi học tiếng Anh trên máy tính |
Học tiếng Anh để phòng bệnh đãng trí
PGS.TS Nhan Trừng Sơn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh em nhưng ông vốn là người ham học hỏi. Mặc dù, ông thông thạo tiếng Pháp, giỏi tiếng Hoa nhưng ông vẫn quyết tâm đi học thêm tiếng Anh ở cái tuổi 80. Ông rất khiêm tốn: “Công việc của tôi bận rộn lắm, mỗi ngày tôi chỉ dành chút ít thời gian cho việc học tiếng Anh thôi. Bởi vậy, để tìm được một nơi học phù hợp đáp ứng được các nhu cầu của mình thật không dễ dàng. Đọc trên báo tôi thấy có quảng cáo “Tiếng Anh dành cho người lớn bận rộn” nên tôi đến học mà quả thực nó cần thiết đối với tôi. Thời gian đầu tôi nói người ta không hiểu mà người ta nói tôi cũng không hiểu được nên thấy nản chí lắm thậm chí có những lúc muốn từ bỏ. Nhưng sau một năm theo học thì tôi đã có thể giao tiếp với người bản xứ”. Ông cười nói: “I’m just a student (Tôi chỉ là học viên), tiếng Anh quan trọng lắm nhất là trong thời buổi hiện nay. Học tiếng Anh là cách giúp trí não luôn hoạt động, tư duy linh hoạt, phản xạ tốt hơn và quan trọng là giảm nguy cơ mắc bệnh đãng trí ở người già. Từ ngày học tiếng Anh cuộc sống của tôi đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Bây giờ, tôi có thể thoải mái nói chuyện với các thành viên trong gia đình vì gia đình tôi ai cũng giỏi tiếng Anh”. Vốn là một BS giỏi nên ông luôn coi trọng sức khỏe của mình bởi vậy hơn 12 năm qua ngày nào ông cũng đội mũ bảo hiểm, đạp chiếc xe mini màu xanh đeo ba lô nhỏ đi từ nhà đến nơi ông làm việc rồi lại vòng về chỗ học. Ông chia sẻ: “Nhà tôi ở “Phố Tây” nên ngày nào tôi cũng đạp xe, mà từ ngày đi xe đạp tôi thấy người khỏe ra, cộng thêm việc học tiếng Anh giúp tôi càng ngày càng minh mẫn”. Mặc dù là một vị phó giáo sư nhưng ông giản dị, mộc mạc đơn sơ đến lạ kỳ. Từ cách ăn mặc đến cách nói chuyện thậm chí cả chiếc bóp mà ông dùng để đựng card visit cũng khiến người ta phải chú ý. Gọi là bóp cho lịch sự chứ thực ra nó chỉ một miếng bìa cứng gấp hình chữ nhật một cách đơn giản nhưng vẫn đầy đủ các ngăn để ông đựng tiền và card visit. Nói chuyện với ông khiến cho chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bởi lần đầu tiếp xúc chỉ nghĩ ông yêu thích tiếng Anh, tuổi già nên đi học cho vui càng không hề biết ông là vị PGS.TS có tiếng ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đối với sinh viên và giảng viên.
Khi nhắc về gia đình của mình ông rất kiệm lời: “Bà nhà tôi tên Mã Thị Huỳnh Điểu, là giáo viên, chúng tôi quen nhau rồi đến với nhau cũng vì cái duyên và cái nợ. Bà ấy kém tôi 5 tuổi ở Bạc Liêu, còn tôi ở tận Sài Gòn”. Rồi ông cười hiền: “Tôi nợ bà ấy nhiều quá nên giờ phải trả… Cuộc đời mà”. Hai ông bà có với nhau một cô con gái, hiện tại cả gia đình cô con gái cùng sống chung với ông bà dưới một mái nhà. Ông tâm sự: “Tôi có một người con gái sống chung với chúng tôi để phòng lúc ốm đau, bệnh tật còn có người chăm sóc”. Niềm mong mỏi của ông trong những ngày tháng còn lại là một mái ấm gia đình trọn vẹn, một hạnh phúc bình dị, các thành viên trong gia đình luôn chia sẻ cùng nhau về những nỗi niềm trong cuộc sống.
Sống là phải làm việc
Ông từng tham gia bộ đội, thế hệ của ông cũng đã kinh qua nhiều gian khổ trong quân ngũ nên chất lính của anh bộ đội Cụ Hồ thấm đẫm trong con người ông. Đến năm 1964, ông tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa TP.HCM và từ đó ông theo học ngành y cho đến bây giờ. “Khi tôi còn là sinh viên năm thứ 3, tôi đã bắt đầu đi trực ở các bệnh viện. Sau khi ra trường chỉ là BS tổng quát rồi sau đó tôi đã theo học chuyên khoa nhi vì tôi thích nó”, ông cho biết.
Vợ chồng PGS.TS Nhan Trừng Sơn cùng con gái và hai cháu ngoại |
PGS.TS Nhan Trừng Sơn luôn đặt ra mục tiêu sống cho bản thân đó là sống phải biết cống hiến, không cho phép đầu óc được nghỉ ngơi. Đối với ông làm việc là niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng có lẽ trên tất cả là sự đam mê đối với công việc mình đang làm. |
PGS.TS Nhan Trừng Sơn hiện là giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thành viên bộ môn tai mũi họng, Chủ tịch Hội Tai mũi họng nhi TP.HCM. Đã từng là Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nên ông rất am hiểu về bệnh nhi, ông tâm sự: “Y đức cần lắm, khám chữa bệnh cần phải có cái tâm”. Hiện tại ở cái tuổi 80 nhưng mỗi buổi sáng ông đều giảng dạy cho sinh viên thực tập và các nghiên cứu sinh. Buổi chiều ông cũng tham gia giảng dạy về tai mũi họng nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về nhi như “Rửa mũi, viêm xoang, rửa xoang đường mũi”, hay “So sánh cắt Amidan bằng lazer… Các cuốn sách ông viết được sinh viên, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dùng làm sách tham khảo trong chuyên môn giảng dạy. Các cuốn sách như “Tai mũi họng nhập môn”, “Tai mũi họng quyển 1” và “Tai mũi họng quyển 2”, “Dị vật trong tai mũi họng nhi” dùng cho tiến sĩ và sau ĐH đều có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Ông tâm sự: “Sống là phải làm việc, sống để cống hiến. Tôi luôn muốn cho đầu óc hoạt động để bản thân năng động, nhạy bén hơn”. 80 tuổi nhưng quả thực trời phú đã ban tặng ông có một sức khỏe tốt, cộng thêm sự lạc quan, yêu đời luôn có tư tưởng cầu tiến, không ngừng học hỏi. Ông cười nhẹ nhàng chia sẻ: “Tôi có mấy ông bạn nghỉ hưu về nhà không làm gì cả nếu là tôi sẽ buồn tẻ lắm vì cả ngày mình không có việc gì làm thì cái đầu sẽ không có điều kiện hoạt động”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Bình luận (0)