- 1 Hội An hướng đến “Vườn trong phố, phố trong vườn”
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký, Hội An sẽ phát triển hướng đến “Vườn trong phố, phố trong vườn”.

Quy hoạch thành 7 phân khu chức năng
Quy hoạch nhấn mạnh việc hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2030, định hướng phát triển đô thị “Sinh thái – Văn hóa – Du lịch” mang tầm quốc tế; Phát triển Hội An trở thành đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh Quảng Nam (Hội An – Điện Bàn – Tam Kỳ – Núi Thành) và của cả nước.
Xây dựng Hội An trở thành đô thị phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế của TP.Hội An nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, bảo tồn và phát triển để phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa, thúc đẩy quá trình hội nhập, liên kết phát triển vùng và khu vực, tạo tiền đề tăng trưởng xanh. Chú trọng phát triển du lịch thông minh, du lịch xanh, tăng cường chất lượng; Giữ gìn và phát triển Hội An theo hướng “TP sáng tạo” dựa trên nền tảng văn hóa và di sản.
Theo đó, quy hoạch Hội An thành 7 khu vực chức năng chính, gồm: Khu đô thị lịch sử di sản; Khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa – dịch vụ, bổ trợ cho đô thị di sản; Khu phát triển mới đô thị và nông thôn; Khu dân cư sinh thái đảo; Khu đô thị và nông thôn gắn với cảnh quan sông nước; Khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển và Khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển.
Hội An sẽ được mở rộng và phát triển trên tổng diện tích khoảng 6.354,83ha, bao gồm cả phần đất liền và hải đảo. Đến năm 2035, dân số Hội An đạt khoảng 160.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi từ khách du lịch), đến năm 2050 có thể lên đến 230.000 người. Quy hoạch đặt ra các tiêu chí kinh tế – kỹ thuật theo chuẩn quốc gia, với định hướng phát triển đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác hiệu quả tiềm năng di sản, du lịch.

Đặc biệt, quy hoạch nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản phố cổ Hội An, đồng thời mở rộng các khu vực đô thị mới về phía Tây. Ngoài ra, TP sẽ xây dựng hệ thống giao thông thông minh, mở rộng các tuyến đường chính và phát triển giao thông công cộng bằng xe điện, xe đạp. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật như cấp nước sạch, hệ thống xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn hiện đại.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Quảng Nam yêu cầu cần bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An. Quảng bá Hội An như một TP của di sản sống; cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn.
Bảo tồn cấu trúc “Vườn trong phố, phố trong vườn”
Quy hoạch đề xuất bảo tồn các cấu trúc đặc trưng và phân vùng để quản lý và định hướng phát triển với 4 vùng: Vùng lõi đô thị hiện hữu; Vùng phát triển mới đô thị và nông thôn; Vùng bảo tồn châu thổ sông nước; Vùng bảo tồn biển đảo.
Để đạt được mục tiêu này, Hội An khuyến khích di dời những cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi khu ở, khu dân cư vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp Thanh Hà; Ưu tiên thu hút đầu tư theo quy hoạch ngành nghề ở cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh, UBND TP phê duyệt. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trồng cây xanh cách ly giúp phủ xanh và đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất sạch, ít tác động đến môi trường, doanh nghiệp sản xuất có tính liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương.
Năm 2023, Hội An chính thức được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da…
Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. |
Tập trung phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm rau hữu cơ: Cẩm Thanh, rau VietGAP Trà Quế (xã Cẩm Hà), nông nghiệp hữu cơ Cẩm Kim, sản phẩm đặc trưng Cù Lao Chàm và nông nghiệp hữu cơ Thanh Tây (phường Cẩm Châu) gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ ở các xã nông thôn mới trên địa bàn TP. Phát triển theo mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân Hiệp (Cù Lao Chàm)…
Phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực trồng rừng nguyên liệu; trồng cây bản địa, các loại cây gỗ quý gắn với công tác bảo vệ rừng đầu nguồn và hình thành các lâm viên, phát triển vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, rừng ngập mặn. Phát huy hiệu quả và nhân rộng dự án trồng phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước tại khu di tích rừng dừa Bảy Mẫu, trồng mới ven các con sông, kênh rạch và trồng kết hợp vào hệ thống đầm nuôi thủy sản.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)