Hướng đến kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, TP.Hội An (Quảng Nam) – nơi ghi dấu một thời giao thương vùng thương cảng, đặt nền móng cho mối quan hệ vững bền đã tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, góp phần củng cố thúc đẩy mối quan hệ thân thiết, nghĩa tình giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Các tiết mục văn nghệ thể hiện tình hữu nghị thắm thiết giữa Hội An và Nhật Bản
Mối lương duyên của chàng trai Nhật và cô gái Hội An
Năm 1619, Công nữ Ngọc Hoa (Nguyễn Phúc Ngọc Hoa), con gái nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên theo chồng Araki Sotaro – một thương gia về Nagasaki, Nhật Bản. Bà được xem là người Việt Nam đầu tiên định cư tại nước Nhật. Mối lương duyên của hai con người đến từ Nhật Bản và Hội An đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
26 năm sinh sống ở Nagasaki, đã có nhiều giai thoại đẹp về chuyện tình của Công nữ Ngọc Hoa với ngài Araki Sotaro. Bà thường gọi chồng “Anh ơi” nên người dân trong vùng thường gọi bà bằng tên thân mật là Anion. Năm 1645 bà qua đời và được an táng cạnh mộ chồng. Câu chuyện tình của vợ chồng bà là nguồn cảm hứng cho người dân địa phương xây dựng thành một phần trong lễ hội Okunchi, tổ chức từ ngày 7 đến ngày 10-9 hàng năm. Ghi dấu mối quan hệ tốt đẹp của hai nước, Bảo tàng Nghệ thuật Nagasaki hiện vẫn lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa.
Đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa đã được tái hiện ngay trong lòng phố cổ đã thu hút đông đảo người dân và du khách thưởng lãm. Sự kiện góp phần nêu cao giá trị lịch sử, tôn vinh mối quan hệ hữu hảo của Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung với Nhật Bản, qua thời gian hàng trăm năm. Mối quan hệ tình cảm tưởng chừng riêng tư ấy đã hình thành nên mối quan hệ đặc biệt giữa hai đất nước. Ngày nay, mối quan hệ đó được tiếp nối, nâng tầm thành nét đẹp văn hóa truyền thống Việt – Nhật.
Thắm tình hữu nghị
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio cho rằng, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam phát triển mạnh mẽ và gắn kết chặt chẽ như ngày nay là bởi đằng sau đó có sự “thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người” được tạo nên nhờ mối liên hệ mang tính lịch sử, văn hóa lâu đời giữa hai nước.
Có thể thấy nhiều ví dụ đa dạng thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm đó trong lịch sử lâu đời vượt qua phạm vi 50 năm của hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện giữa Araki Sotaro, thương nhân vùng Nagasaki và Công nữ Ngọc Hoa thời Chúa Nguyễn vào khoảng 400 năm trước. Câu chuyện này vẫn còn lưu truyền tới tận ngày nay, được tái hiện trong sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản và trong một phân cảnh của lễ hội “Nagasaki Kunchi” được tổ chức 7 năm một lần.
Lễ tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa tại Hội An
“Vừa qua, tôi đã có cơ hội tới thăm Nagasaki. Tại Nagasaki, vẫn còn ngôi mộ của thương nhân Araki Sotaro và Công nữ Anio. Họ yên nghỉ trong một mộ phần chung. Khi thăm ngôi mộ này, tôi có cảm nhận câu chuyện của họ là xuất phát điểm của quan hệ đối tác thân thiết bình đẳng giữa Nhật Bản và Việt Nam”, ông YAMADA Takio chia sẻ.
Với vai trò là sự kiện nổi bật trong năm kỷ niệm 50 năm, vở opera “Công nữ Anio” xây dựng dựa theo câu chuyện nói trên sẽ được công diễn tại Hà Nội vào tháng 9 và tại Nhật Bản vào tháng 11 năm nay. Để nhiều người dân ở hai nước biết tới câu chuyện này, Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm của phía Nhật Bản đã thực hiện dự án truyện tranh manga có nội dung dựa trên câu chuyện trong vở opera “Công nữ Anio” và được đặc biệt vẽ minh họa bởi họa sĩ truyện tranh Higashimura Akiko.
Ông YAMADA Takio hy vọng, thông qua câu chuyện “Công nữ Anio”, một lần nữa người dân hai nước có thể khám phá, nhận biết về lịch sử giao lưu lâu đời, sự gần gũi tương đồng văn hóa, sự thấu hiểu đồng cảm giữa Nhật Bản và Việt Nam, những yếu tố đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của quan hệ hai nước.
Từ khoảng 400 năm trước đến nay, nhiều thương gia người Nhật đã chọn Hội An làm điểm dừng chân như quê hương thứ 2 của mình. Nhiều phần mộ thương gia Nhật chọn Hội An làm nơi yên nghỉ như: thương gia Banjiro, thương gia Tani Yajirobe… Ngoài ra, trong khu phố cổ còn có một di tích đặc biệt, đó là cầu Nhật Bản (Chùa Cầu). Đây là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản trong những năm tháng đến buôn bán tại thương cảng Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16, 17. |
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống và các giá trị nhân văn. Đô thị cổ Hội An được biết đến là một trong những nơi khởi nguồn cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cách đây hơn 400 năm trước với mối quan hệ giao thương nhộn nhịp tại thương cảng Hội An cũng như mối lương duyên giữa Công nữ Ngọc Hoa cùng thương nhân Araki Sotaro ở tỉnh Nagasaki.
Tiếp nối và phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó, thời gian qua, Hội An đã không ngừng đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu hợp tác, hữu nghị với các đối tác, địa phương của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực trong đó có Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản đã trải qua 19 lần tổ chức. Sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” năm nay càng có ý nghĩa hơn khi nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (21-9-1973/ 21-9-2023). Qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố thúc đẩy mối quan hệ thân thiết, nghĩa tình giữa hai đất nước, hai dân tộc. “Với mong muốn mang đến cho công chúng những trải nghiệm, hoạt động mới lạ, hấp dẫn và nhiều sắc màu văn hóa; dựa trên những di sản quý giá trong kho tàng văn hóa Nhật Bản và Hội An – Quảng Nam Việt Nam, các chương trình giao lưu văn hóa – nghệ thuật lần thứ 19 được đầu tư công phu, mang âm hưởng truyền thống và hiện đại, thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa hai đất nước, thông qua nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn trà đạo, hướng dẫn cắm hoa Ikebana, thư pháp, gấp giấy Origami, trình nghề và giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nhằm góp phần tôn vinh và quảng bá cho nét đẹp văn hóa của 2 quốc gia…”, ông Sơn nói.
Phan Lệ
Bình luận (0)