Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hồi ấy, chúng tôi tự học như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Thế hệ chúng tôi đi học từ lớp 1 đến lớp 10 (hệ 10 năm ở miền Bắc hồi đó) đúng vào “khung” chiến tranh lan rộng ra cả nước (từ 1964 đến 1974). Miền Bắc bước vào chế độ thời chiến; hầm, hào dọc ngang khắp nơi nhằm trú ẩn, tránh bom đạn Mỹ. Toàn bộ cuộc sống thời chiến đều bị ảnh hưởng, trong đó có việc học hành của lớp trẻ chúng tôi. Trường học sơ tán vào khu dân cư, tránh xa cầu cống, kho tàng, đường sá lớn… Vì đó là những mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ.

May mắn thay, các thầy cô đã tận tình giảng dạy, hướng dẫn chúng tôi cách tự học, tự soạn bài, tự làm bài tập khi ở nhà. Lúc này chúng tôi mới học lớp 8 (như lớp 10 ngày nay) nhưng luôn tự giác, chủ động trong tự học, không cần ai nhắc nhở, không trông chờ vào người khác. Muốn soạn bài văn (quy định học sinh phải soạn bài trước khi đến lớp, thầy cô sẽ kiểm tra việc soạn bài của cả lớp trước khi giảng bài) phải đọc tác phẩm trong sách giáo khoa (hồi ấy gọi là cuốn “Trích giảng Văn học”). Sách giáo khoa lúc này rất hiếm, trong một lớp hơn 40 học sinh thì chỉ có vài học sinh có sách giáo khoa. Vì vậy, phải “canh me” trước vài tuần để mượn và tranh thủ đọc tác phẩm, đoạn trích và soạn bài theo câu hỏi hướng dẫn. Cả nhóm từ 3 đến 4 bạn cùng thảo luận, cùng tìm ra những câu trả lời; cùng tìm chủ đề, đại ý, chia bố cục hợp lý. Tôi còn nhớ bài soạn đoạn trích “Bài ca chim chơ rao” (Thu Bồn) của nhóm gần đúng với bài giảng của thầy trên lớp. Từ đó, kiến thức bài học được khắc sâu, nhớ lâu và lan tỏa, hóa thành những kiến thức thực sự của mình. Với các môn tự nhiên như toán, vật lý, hóa học… thì cử một bạn giỏi, khá trong nhóm giảng lại bài của thầy cô bộ môn hồi sáng; vận dụng vào bài tập như thế nào cho đúng yêu cầu. Vì là bạn bè, chúng tôi mạnh dạn phản biện nhau, tìm bằng được “góc khuất” kiến thức để hiểu bằng được.

Dù còn bao việc tiếp giúp gia đình như vào rừng lấy củi, đi gặt lúa, thu hoạch ngô, khoai… trong ngày nghỉ cuối tuần nhưng chúng tôi luôn được gia đình tạo mọi điều kiện để học bài. Đi học xa nhà, ở trọ trong nhà dân, không có cha mẹ kế bên nhưng tính tự giác là trên hết đã giúp chúng tôi học nhóm vào buổi sáng hoặc buổi tối. Thỉnh thoảng thầy chủ nhiệm đi kiểm tra việc học nhóm của chúng tôi, dù trời mùa đông giá lạnh, thầy vẫn đi một vòng xem bọn trẻ miền đất học này học nhóm đều không.

Tính tự học còn thể hiện ở chỗ chúng tôi luôn tìm sách, báo trong thư viện để mượn về đọc. Phương tiện giải trí duy nhất thời bấy giờ là đọc báo trong thư viện những lúc rảnh rỗi. Kiến thức ngấm từ từ vào mình; bản thân sẽ học được từ cách dùng từ ngữ, cách hành văn, cách khai thác vấn đề… của các tác giả.

Tự học rất cần thiết ở mỗi thời đại, dù ngày nay đã có những phương tiện hỗ trợ nhưng tự học sẽ có kiến thức của riêng mình, làm giàu cho vốn sống của mình.

Lê Đc Đng

Bình luận (0)