Sẽ phải gom lại thành một vài tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá, còn những nội dung khác là định hướng chuyên môn. Tôi đã nói với Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non tập hợp lại để tham khảo những ý kiến đã trao đổi trên VietNamNet và một tờ báo, trang mạng khác về 125 tiêu chí trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, người đã tham gia xây dựng bộ chuẩn cho trẻ em ngay từ những ngày đầu tiên trao đổi với VietNamNet.
Bà Đặng Huỳnh Mai.
|
Rạch ròi phần đánh giá và phần dạy
Thưa bà, chúng ta căn cứ vào cơ sở khoa học nào để xây dựng bộ chuẩn này?
– Xây dựng chuẩn căn cứ vào thể chất, dựa vào chuẩn của Bộ Y tế.
Chuẩn về giao tiếp, ứng xử dựa vào tinh thần của Nghị quyết 5 Trung ương 8 về xây dựng con người Việt Nam mới.
Và thứ ba là dựa vào kiến thức ngôn ngữ, tư duy tâm lý học lứa tuổi. Thực ra, ở đây, tiêu chuẩn 2 và 3 có chồng chéo nhau và cái đó từ từ sẽ sửa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu chuẩn của một số nước như Úc, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Mỹ,… như: học hết bậc mầm non, trẻ biết nói gì hay một số nhà tâm lý học đã công bố trẻ chuẩn bị vào lớp 1 phải biết 3.000-3.500 từ tiếng mẹ đẻ.
Tất cả các nước mình tham khảo đều có chuẩn và cũng rất phức tạp, nhưng họ làm nhiều năm rồi. Hầu hết chuẩn của họ đều nhiều chỉ số và quan trọng là chỉ số để làm gì.
Xin bà cho biết cụ thể ở chuẩn của Việt Nam, những chỉ số này sẽ để làm gì?
– Điều quan trọng nhất trong quá trình đó là phần tổ chức thực hiện chứ không phải đánh giá.
Nghĩa là, phải làm thêm một bước nữa.
Trong 125 tiêu chí trong chuẩn, nếu chỉ để đánh giá thì quá nhiều, nhưng nếu vừa đánh giá vừa định hướng chuyên môn thì thiếu.
Do đó, Vụ Giáo dục mầm non sẽ phải tách bạch ra, cái nào để đánh giá và cái nào để dạy. Phần chính là tổ chức thực hiện nên chắc chắn Bộ sẽ điều chỉnh lại.
Chuẩn khó phù hợp với tất cả các trẻ do điều kiện vùng miền khác nhau,bà thấy việc này thế nào?
– Trên thế giới cũng như vậy, không thể cụ thể hóa từng vùng miền được, nhưng về nguyên tắc, Bộ sẽ làm bộ chuẩn nhất để nơi nào cũng thực hiện được.
Thực ra, trước đây, tôi còn muốn phân ra vùng, trẻ thành thị phát triển hướng nào là mạnh để cân bằng, như làm quen với máy vi tính, còn trẻ nông thôn, vùng sâu thì đi bộ nhanh hơn, nhảy cao hơn… Nhưng sau đó, nhiều người cho rằng như vậy là phức tạp quá.
Tôi sẽ đề nghị với Vụ Giáo dục ầm non làm cái cơ bản nhất, sau đó giao cho địa phương, có thể đề xuất cái riêng.
Trước đây, khi chưa xây dựng chuẩn này thì chúng ta căn cứ vào đâu để đánh giá về trẻ trong giáo dục mầm non, thưa bà?
– Thực ra là có hết, có yêu cầu về đánh giá kết quả học tập của học sinh. Có điều, từ "đánh giá" thường dùng từ tiểu học trở lên.
Còn ở mầm non, đó là những yêu cầu để thực hiện, quy định đơn giản và nhà trường tự làm.
Bây giờ, hệ thống lại và công bố bộ chuẩn trên phạm vi toàn quốc nên ban đầu sẽ chưa thật sự khớp.
Kiểm tra lại, tham khảo thêm
Đối với dự thảo này, theo bà, còn những điểm nào phải chỉnh sửa?
– Chi tiết chạy bao nhiêu mét phải xem lại. Nhưng điều đó không phải giáo viên họ đánh giá hết đâu.
Chuẩn phải thực hiện theo chương trình và giáo viên bám vào để hàng ngày theo dõi trẻ.
Tôi sẽ đề nghị Vụ Giáo dục mầm non kiểm tra lại, tham khảo thêm bên thể dục thể thao, như một đứa trẻ chạy trong thời gian bao nhiêu là phát triển bình thường, chạy không đủ là sức khỏe xuống và giáo viên sẽ làm sao để điều trị.
Hoặc, có trẻ chạy nhanh hơn thì đây có thể là cầu thủ của tương lai, vận động viên điền kinh chẳng hạn, giáo viên sẽ chú ý đến phát triển năng khiếu.
Cái này không thể không có, nhưng không phải để đánh giá.
Việt Nam có tâm lý sợ thiếu nên thường đưa ra cái gì cũng nhiều và ngôn ngữ sử dụng chưa thiết thực.
Những trao đổi góp ý trên VietNamNet, của báo chí, tôi đã nói với Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non tập hợp lại để tham khảo.
Bộ GD-ĐT dự định sau 60 ngày, ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh. Được biết, trước đây Bộ cũng đã thí điểm chuẩn này nhưng trong quy mô rất nhỏ kho ảng 700 cháu. Vậy, liệu có vội không khi chưa thí điểm trên diện rộng đã triển khai đại trà?
Thực ra, giáo dục mầm non đã có từ những năm 1960, chúng ta đã dạy nhiều năm rồi. 60 ngày đó là để điều chỉnh lại xem đã hợp lý chưa và điều quan trọng là ban hành được mọi người thừa nhận.
Còn thời gian, nếu thấy chưa ổn, sẽ lùi tý nữa.
Chương trình mầm non mới: Nặng
"Trước mắt, sẽ "đi một đoạn đường" (trẻ 5 tuổi), sau đó mới "phân lại tuyến đường" (đến trẻ 4 tuổi, 3 tuổi). Xây dựng chuẩn còn nhằm đáp ứng một lý do nữa là đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu nâng cao tầm vóc người Việt Nam" – Bà Đặng Huỳnh Mai
|
Để dạy trẻ đạt chuẩn, sẽ có rất nhiều điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, lớp học, sân trường. Liệu chuẩn có khả thi?
– Khó không có nghĩa là không thực hiện được.
Ví dụ, trường cần cái sân thì có thể đề nghị với địa phương.
Chuẩn là cái mong muốn, cái gì có thể làm được trong điều kiện đó, chứ chờ đến đủ điều kiện mới làm thì cả thế giới không có nước nào làm được.
Đồng thời, đặt vấn đề với cán bộ quản lý, chính quyền địa phương để dần khắc phục những khó khăn.
Do đó, việc dạy linh hoạt rất cần cho sự đổi mới của giáo viên hiện nay.
Được biết, ngành giáo dục cũng đang xây dựng chương trình đối mới giáo dục mầm non, đề án giáo dục mầm non, vậy chuẩn trẻ 5 tuổi này có liên quan gì đến 2 chương trình trên, thưa bà?
– Chuẩn này gắn với đổi mới chương trình giáo dục mầm non nhưng vẫn thấy chưa đủ.
Chương trình này từ khi tôi còn làm Thứ trưởng, đã cho thí điểm nhưng vẫn còn nặng nên chưa dám triển khai đại trà.
Ví dụ, lúc làm thí điểm, các cô giáo có giới thiệu "đường đi của một giọt nước" y như cách dạy một SV ĐH: dùng sơ đồ, máy tính để diễn tả đường đi của nước. Ví dụ, cô nói với trẻ rằng nước sẽ bốc hơi thành mây xanh và rơi xuống thành mưa.
Trong khi đó, bên Úc, khi trời mưa, cô giáo nói đứa trẻ xòe tay ra và hứng giọt nước mưa trên trời rơi xuống và dạy trẻ đó là mưa.
Còn khi một bạn mang bình tưới hoa bắn vào một bạn khác thì đó không phải là mưa, dù cũng rơi từ trên xuống.
Còn đề án trẻ mầm non 5 tuổi là đề án đầu tư về cơ sở vật chất để tạo điều kiện làm giáo dục mầm non tốt.
Xin cảm ơn bà!
Bào Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)