Đánh giá sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mang tính lịch sử, Hội CĐV Việt Nam háo hức chờ ngày công ty này khai sinh đồng thời bày tỏ sẵn sàng trở thành cổ đông của công ty này.
Cổ động viên Việt Nam luôn ủng hộ bóng đá sạch. |
“Đây xứng đáng được xem là cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam. Sự ra đời của VPF sẽ mở ra một chương mới cho V-League, cho bóng đá Việt Nam. VPF khiến người hâm mộ hứng khởi bởi ngoài chức năng, nó còn chứng tỏ, các ông bầu Việt Nam đã cùng nhau nhìn về một phía. Cái nhìn ấy sẽ dẫn tới một tương lai tốt đẹp, Vì thế, VPF nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cả VFF. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có được tiếng nói chung như thời điểm này. Phải chúc mừng sự kiện VPF. Chúng tôi sẽ lên chương tình ủng hộ VPF. Có thể là chương trình thu thập một triệu chữ ký ủng hộ VPF, ủng hộ bóng đá sạch”, ông Trần Song Hải – Phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam – bình luận về sự ra đời của VPF.
VPF được thành lập bởi các thành viên của V-League 2012 với số vốn điều lệ hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, mỗi đội bóng góp một tỷ đồng (tương đương 4,6% vốn điều lệ). Liên đoàn bóng đá Việt Nam góp phần còn lại (chiếm 36,5% vốn điều lệ). VPF thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện các quy định của VFF và FIFA. Cơ quan quyền lực cao nhất của VPF là Hội đồng quản trị. VFF với 36,5% vốn điều lệ giữ quyền chủ động nhưng không được áp đặt. Các CLB có tiếng nói riêng nhưng phải đi đúng định hướng… Theo ông Hải, đây là lựa chọn tất yếu của bóng đá Việt Nam.
“VPF phải tuân thủ đúng nguyên tắc hoạt động. Các ông “bầu” phải hợp tác với nhau, phải tôn trọng tôn chỉ chơi đẹp của bóng đá. Tổng giám đốc VPF phải được tôn trọng, có tài và có tiếng nói. Có lẽ VPF nên thuê một Tổng giám đốc người nước ngoài để có tiếng nói khách quan nhất. Phải làm được như thế, VPF mới hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình. Chắc chắn khi đó bóng đá Việt Nam sẽ rất hấp dẫn”. Ông Hải nhận xét.
Theo vị Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam, Hội sẵn sàng trở thành cổ đông của VPF. “Hội CĐV Việt Nam sẵn sàng trở thành cổ đông của VPF. Chúng tôi có thể đóng vai trò là người xem, quan sát và giám sát hoạt động của công ty nhằm bảo đảm tính khách quan vốn phải có”.
Chung quan điểm với ông Trần Song Hải, Nghệ sỹ Đức Trung – Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam cho rằng, đây là sự kiện đáng để chào mừng. “Sự phản ứng của các ông bầu chỉ là giọt nước tràn ly. V-League và VFF cần phải có sự thay đổi, đó là đòi hỏi tất yếu. Chúng tôi đang chờ đợi ngày VPF ra mắt. Vui thì vui thật nhưng băn khoăn nằm ở chỗ, VPF có làm tốt chức năng của mình hay không khi mà bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Chúng ta hãy chờ đợi xem VPF có thể đem lại những gì”. Ông Trung nói.
Nghệ sỹ Đức Trung, Chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam. |
Ngày ông Nguyễn Đức Kiên tung “bom tấn” chỉ rõ những yếu kém của hạng Nhất, V-League và Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Hội CĐV Việt Nam tuyên bố sẽ đứng về phía các ông bầu. Hội bày tỏ mong muốn VFF sẽ thay đổi cách quản lý, điều hành để các giải đấu sạch, hấp dẫn. Ông Kiên từng tuyên bố không chạy theo cuộc đua tiền săn cầu thủ nhưng chính ông bầu này lại bị cho rằng đã “phá giá thị trường” bằng việc chèo kéo Lê Công Vinh thành công một ngày trước khi cầu thủ này ký hợp đồng mới với Hà Nội T&T. Ông Kiên sau đó đã lên án tình trạng một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng. Ông Đỗ Quang Hiển – người được xem là bầu của SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T sau đó đã đăng đàn phủ nhận là ông chủ của hai đội bóng kể trên, xét về mặt pháp lý.
Quan điểm của ông Kiên và ông Hiển khiến Hội CĐV Việt Nam lo ngại về mâu thuẫn giữa các ông chủ bóng đá Việt Nam. “Khi ông Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ những hạn chế của các giải đấu, của VFF, ai cũng ủng hộ. Nhưng việc ông Kiên mua Công Vinh rồi ông Hiển sau đó phủ nhận việc sở hữu nhiều đội bóng, tôi cũng như rất nhiều anh em trong Hội CĐV lo ngại rằng đang có một cuộc chiến giữa các ông bầu. Mâu thuẫn đó có thể bóp nghẹt những ý tưởng cải tổ V-League hay đổi mới VFF”. Ông Trần Song Hải, Phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam bày tỏ.
Lo ngại của Hội CĐV Việt Nam đã không xảy ra. Bởi dưới sức ép của các ông bầu, VFF đã buộc phải thay đổi mô hình quản lý, điều hành V-League. Theo đó, từ mùa bóng 2012, V-League và có thể là giải hạng Nhất sẽ được tổ chức, điều hành bởi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Khoa Nguyễn (theo vnexpress)
Bình luận (0)