Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Hội chợ” diều

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Cảnh chuẩn bị trình diễn diều để “chào hàng”
Từ việc mày mò làm nên những chiếc diều thỏa đam mê thú tiêu khiển cho cá nhân, không ít người đã phất lên nhờ các cuộc “sang nhượng” kiệt tác của mình.
Quán cà phê nhỏ xinh ở đầu hẻm thuộc ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM những ngày qua khách đông đến lạ. Bà Hai chủ quán, miệng móm mém nhai bánh mì bữa sáng, nói với chúng tôi: “Mấy ông khách toàn là dân chơi diều. Sáng nào cũng tụ tập ở đây, nói chuyện và khoe sản phẩm độc đáo của mình rồi đi thả. Khi ai cần thì bán nên còn gọi là “hội chợ” diều”.
Cà phê diều
Cùng xóm với bà Hai có ông Tám Hinh, người được trong giới biết đến có bộ sưu tập hơn 300 con diều các loại, đủ kích cỡ, từ diều truyền thống đến hiện đại. Quán cà phê này là nơi ông Hinh gặp gỡ với bạn diều. Gần đó lại có một khu đất trống vừa được chủ nhân của nó cho san lấp, chưa phải là nơi thả lý tưởng lắm nhưng thời buổi này chẳng tìm đâu ra nơi thả tốt hơn. Hơn nữa, quán cà phê bà Hai mát mẻ, có khoảnh sân rộng, cây trái sum suê nên thu hút dân chơi diều từ khắp nơi kéo đến.
Tầm 8 giờ sáng, xe máy đắt tiền, cả xe hơi ùn ùn vào hẻm. Người đi mang theo những con diều đã thành phẩm đến để biểu diễn, cũng như chào bán cho người yêu thích. Không ít người đam mê thú chơi lành mạnh này nhưng không thể làm thì mang vật liệu đến nhờ các bậc cha chú hướng dẫn đo kích thước, cân nặng và sải cánh… Đang loay hoay chỉnh sửa lại một vài chi tiết cho con diều hình mặt trăng, ông Nguyễn Cảnh, người có hơn 10 năm sống bằng nghề diều, nói: “Không phải ai cũng tự tay làm diều được, phần vì không biết, quỹ thời gian hạn hẹp, phần vì không gian nhà chật hẹp… Có tháng bán 4-5 con diều lớn, trị giá mỗi con không dưới 3 triệu đồng. Trừ chi phí mua nguyên vật liệu, công cán cũng lãi gần phân nửa, nghề chơi nhưng sống được”.
Lâu nay, thường nghe cà phê chim, cà phê sách, cà phê công nghệ… nay lại có cà phê diều. Cà phê diều chẳng phải tên gọi do chủ quán đặt mà do dân chơi diều gọi thế. Nó là một địa chỉ mà trong giới hẹn hò nhau để trình làng những kiệt tác của mình. Nói là cà phê diều nhưng họa hoằn lắm khách mới tụ tập uống tại quán mà chỉ đi ngang í ới rồi có người mang ra tận nơi thả diều. Sở thích từng người uống cà phê ngọt, đắng… bà Hai đều nhớ rõ.
Nơi đam mê hội tụ
Ban đầu, quán cà phê bà Hai chỉ là điểm dừng chân để uống ly nước trước và sau mỗi chiều thả diều. Dần dà, muốn được tận mắt chứng kiến những con diều có hình thù là lạ, có chiều dài lên đến chục mét và cốt yếu là để được sở hữu các con diều “độc”, người ta lại tìm đến. Đây cũng là nơi đầu tiên mà không ít người tìm đến với nghề chơi lắm công phu này. “Trước đây, sau giờ làm ở cơ sở đinh vít, tôi thường la cà ở quán nhậu. Giờ thời gian rảnh tôi liền ra đây”, ông Phạm Dũng chia sẻ. Nhờ những ngày tháng lân la với dân chơi diều mà ông Dũng đã cho ra đời 3 con diều. “So với dân có nghề thì diều của mình chỉ thuộc loại bay được nhưng vui lắm. Cháu nội, ngoại của tôi cũng không thèm ngồi máy tính chơi game mà từ ngày nghỉ hè đến nay, đứa nào cũng nằng nặc theo tôi đi thả diều”.
Đến “hội chợ” diều, không chỉ có dân chơi diều thứ thiệt thuộc hội, câu lạc bộ lớn nhỏ của thành phố mà còn có cả những tay diều nghiệp dư đến từ các tỉnh, thành lân cận. Họ đến với bộ môn này là để tránh vùi đầu vào những trò tiêu khiển vô bổ. Người trẻ nhất mà chúng tôi bắt gặp ở đây là A Dìn (ngụ Q.5, TP.HCM). A Dìn chẳng giấu quá khứ không mấy đẹp đẽ của thời trai trẻ: “Tôi đã trở về sau 5 năm ra vào trung tâm cai nghiện ma túy. Hàng ngày, trước khi bắt đầu công việc ở xưởng gỗ của chị gái, tôi đều đặn ra đây vừa để học hỏi cách làm diều vừa để hạn chế gặp bạn nghiện”.
Diễn ra không thường xuyên và theo kiểu tự phát, không ồn ào, không hét giá cao, nhưng những buổi “hội chợ” diều thật sự là nơi gặp gỡ, trao đổi của những con người có cùng sở thích và đam mê thú chơi dân dã gần như bị mai một, kể cả ở một vùng quê yên bình. Khi người chơi bày biện từng con diều, từng món đồ làm diều, chúng tôi như đang lạc vào một thế giới diều đa màu sắc, đủ hình dáng mà không thể tìm đâu ra ở chốn thị thành. Hàng chục con diều, không con nào giống con nào cho thấy để làm ra nó thật không hề đơn giản, đó chính là thứ mà người chơi cần đến. “Thiết kế một con diều cũng như kỹ sư chế tạo máy, phải tính toán chính xác đến từng chi tiết và đặc biệt là biết chọn vật liệu rẻ, thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng”, ông Cảnh nói.
Bài, ảnh: Trần Anh
Dù chỉ là tay chơi nghiệp dư nhưng mẫu diều của ông Nguyễn Văn Tám (đường Ba Đình, Q.8) vừa biểu diễn trình làng đã được nhiều người “săn” và đặt hàng. Ông Tám nhẩm tính: “Ba tháng nay, phải thức khuya dậy sớm làm diều, thu nhập không dưới 30 triệu đồng”.
 

Bình luận (0)