Chán học văn hóa, không ít học sinh (HS) sau THCS đăng ký vào trường nghề. Tuy nhiên, chỉ sau học kỳ đầu các em lại bỏ học – xin “dừng cuộc chơi”! Một thực trạng đáng báo động.
Học sinh Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12 (TP.HCM) trong giờ học nghề sửa chữa ô tô. Ảnh: T.Anh |
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường TC nghề có lượng HS đăng ký ban đầu rất đông nhưng số thực học cũng như tỷ lệ ra trường thì rất ít…
Bỏ học vì nhiều nguyên nhân
Bà Huỳnh Thị Phương Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12, TP.HCM) cho biết tỷ lệ HS bỏ học cao chủ yếu ở năm đầu, trong đó, học kỳ đầu tiên chiếm đến 40%. Nguyên nhân bỏ học, theo bà Trang, vì trước đây chương trình học nghề có học văn hóa mà đối tượng này đa phần đã “ngán”. Từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, không còn chương trình văn hóa nên một số em quay lại học nghề. Những năm gần đây, tỷ lệ HS bỏ học giảm một phần cũng nhờ công tác phân luồng, trao đổi, tư vấn ngành nghề cho các em hiệu quả hơn.
Một nguyên nhân khác khiến HS ở bậc học này bỏ học nhiều, theo ông Hà Xây (Phó Hiệu trưởng Trường TC nghề Quang Trung) là do đầu vào của trường thấp, từ học lực trung bình trở xuống nên ý thức học tập, kỷ luật của các em còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng học tập. “HS sau THCS vào học nghề tại Trường TC nghề Quang Trung khoảng 40-50%. Có được con số này là nhờ công tác phối hợp tổ chức phân luồng tốt. Tuy nhiên, HS bỏ học khiến công tác tuyển sinh, đào tạo bị ảnh hưởng không nhỏ. Thực tế, một bộ phận giáo viên chưa nhiệt tình lắm trong giảng dạy cũng là nguyên nhân khiến HS bỏ học…”, ông Xây thông tin.
ThS. Phạm Văn Nhật (Trường TC Y dược Vạn Hạnh) cho biết những năm trước, HS bậc TC bỏ học giữa chừng chiếm từ 20-35%, nguyên nhân là vì ban đầu đăng ký học là để trốn nghĩa vụ quân sự. Nhưng từ khi có quy định mới, học CĐ mới có thể hoãn nghĩa vụ quân sự thì tỷ lệ này giảm. Theo đó, HS bỏ học vì những lý do khác như phát hiện lựa chọn ngành nghề không phù hợp, không theo kịp chương trình hoặc đã chọn môi trường học tập khác…
“Nguyên nhân HS bỏ học nhiều là do các em chán học văn hóa, đa số đều nghĩ rằng học nghề là một hình thức học tập đơn thuần hoạt động chân tay, nhưng khi gặp các môn lý thuyết ban đầu thì các em lại chán”, ông Đinh Minh Nghĩa (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng) cho biết. |
Trong khi đó, ông Đinh Minh Nghĩa (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Nguyên nhân HS bỏ học nhiều là do các em đã chán học văn hóa, vì đa số đều nghĩ rằng học nghề là một hình thức học tập đơn thuần hoạt động chân tay, nhưng khi gặp các môn lý thuyết ban đầu các em lại chán. Ví dụ như các môn chính trị, pháp luật, lý thuyết chuyên môn cơ sở… Một nguyên nhân nữa là do các em được gia đình sắp xếp đi làm thêm không đảm bảo thời gian học, hay các em đã đi làm thì bị chuyển công tác hoặc đi công tác xa”.
Cách nào để ngăn chặn?
Để hạn chế HS bỏ học giữa chừng, theo ông Đinh Minh Nghĩa, phụ huynh cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ban công tác HS của trường nghề như ở trường phổ thông. Bởi các em vừa tốt nghiệp THCS còn quá nhỏ, suy nghĩ non nớt dễ bị lôi cuốn vào các đam mê khác. Bên cạnh đó, việc theo dõi tâm lý của các em để có những tư vấn phù hợp cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn để các em có thể hoàn thành việc học cũng là giải pháp cần thiết. Đồng thời, ở giai đoạn đầu, nhà trường cố gắng giảm bớt các môn lý thuyết và sắp xếp vào đó những môn thực hành nghề nghiệp để kỳ vọng các em có hứng thú với môi trường học tập mới. “Nhà trường cần bố trí thời gian đối thoại giữa Ban giám hiệu với HS hoặc cả gia đình, qua đó mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em. Đặc biệt là lồng ghép tư vấn hướng nghiệp, định hướng tương lai nhằm nâng cao nhận thức học tập của các em”, ông Nghĩa nói.
Ở góc độ khác, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) đề xuất Bộ LĐ-TB&XH tuyên truyền nhiều hơn nữa về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chú trọng công tác phân luồng để các trường có thể tiếp cận với HS khá, giỏi chứ như lâu nay là phân cấp chứ không phải phân luồng. Cụ thể là hầu hết HS vào trường nghề đều có học lực trung bình trở xuống.
“Đối tượng HS sau THCS học nghề được miễn học phí theo quy định, tuy nhiên nhà trường sẽ thu tiền trước, sau đó lập danh sách gửi lên quận; quận chuyển thì sẽ hoàn trả lại cho người học”, theo bà Huỳnh Thị Phương Trang, đây là cách mà nhiều trường nghề áp dụng để hạn chế một phần HS bỏ học.
T.An
Bình luận (0)