Bất chấp những cảnh báo nguy cơ mất khả năng sinh nở khi lớn tuổi, nhiều chị em ở độ tuổi sinh nở vẫn trì hoãn chuyện có con. “Chán sinh” ở phụ nữ trẻ đang là xu hướng khá phổ biến.
Chỉ 10% phụ nữ trên 40 tuổi may mắn có thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm. |
Trẻ ham chơi!
Cưới nhau từ năm 26 tuổi nhưng bảy năm nay, chị Hồ Thị H. ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 (TPHCM), vẫn chưa có ý định sinh con. Mới đây nhà chồng thúc phải có em bé nên vợ chồng chị mới quyết định tìm đến BV Từ Dũ để thăm khám sức khỏe chuẩn bị sinh con. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây cho biết, không chỉ lượng noãn bào của chị H. giảm sút mà trứng của chị cũng rụng bất thường khiến khả năng có thai của chị chỉ còn vài phần trăm.
Tuy nhiên, tình trạng như chị H. không phải là cá biệt. Tại đơn vị tư vấn tình dục của BV Từ Dũ, số bà mẹ gặp rắc rối về sinh nở do lớn tuổi ngày càng gia tăng. “Đa số chị em gặp rắc rối trong việc sinh nở từ 35 tuổi trở lên tìm đến đây” – Ths. BS Ngô Thị Yến – Trưởng đơn vị tư vấn tình dục, BV phụ sản Từ Dũ nói.
Tại phòng khám sản khoa Ngọc Lan, quận 1, gần như ngày nào cũng 50-100 phụ nữ đến tư vấn về sinh con, trong đó hầu hết là phụ nữ đã lớn tuổi, khả năng sinh nở gặp khó khăn.
Trong khi tại khoa sản BV Đại học Y dược TPHCM, mỗi ngày cũng tiếp nhận hơn 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đến tư vấn…tránh thai vì sợ sinh con. Xu hướng chán sinh đang lây lan ra rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Anh Phan Tú T. 29 tuổi, lấy vợ đã 4 năm nhưng vẫn chưa muốn có con. “Bạn bè, người thân bảo tôi vô sinh nhưng vợ chồng tôi vẫn để ngoài tai” – anh T. nói. “Vợ chồng tôi còn phải học cao học, trong khi nhà cửa chưa có lấy gì mà dám sinh con?” – anh T. tiếp.
Chị Hoàng Thị Th. 24 tuổi, ở quận Phú Nhuận, cho biết: “Bác sĩ bảo đang trong tuổi sinh nở, ngưng sinh là không nên bởi về lâu dài khi lớn tuổi sinh con rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ tịt ngòi. Nhưng vợ chồng em quyết rồi, đi đâu mà vội? Nếu cần thì cứ thụ tinh trong ống nghiệm là xong” – chị Th. thổ lộ.
ThS. BS Vương Thị Ngọc Lan – giảng viên bộ môn phụ sản thuộc trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, xu hướng trì hoãn có con có nhiều lý do: “Đời sống kinh tế khó khăn nên một bộ phận vợ chồng trì hoãn sinh con. Ngoài ra, do phải đi làm việc, địa vị, học hành…phải phấn đấu nên trì hoãn, trong khi không ít cặp vợ chồng ỉ lại thụ tinh trong ống nghiệm giúp họ giải quyết được vấn đề”.
Tai biến rình rập
Không chịu sinh con, đến năm 43 tuổi, gia đình chồng chị Hồ Anh ở Mỹ Tho (Tiền Giang) buộc chị phải có con để nối dõi tông đường. Đến BV Từ Dũ tư vấn, các bác sĩ cho biết, khả năng có con của chị Anh không còn khi trứng rụng bất thường, nang noãn đã tắt. Chị Anh làm thụ tinh ống nghiệm, các bác sĩ khoa hiếm muộn khẳng định khả năng có thai chỉ 10%.
Theo bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, khả năng thụ thai cao nhất của người phụ nữ xảy ra ở độ tuổi từ 20-24, sau đó giảm nhẹ trong khoảng 30-32 tuổi rồi từ đó bắt đầu giảm mạnh. “Ở lứa tuổi trên vì những nguyên nhân khách quan, chị em ngại sinh dễ xảy ra nguy cơ tịt luôn” – bác sĩ Lan nói. Theo nghiên cứu của Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, đối với phụ nữ trên 40 tuổi, khả năng thụ thai giảm đến 95%.
“Ngay cả thụ tinh trong ống nghiệm đối với phụ nữ trên 40 tuổi cũng vô cùng khó khăn” – GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc BV Từ Dũ, nhận xét.
Theo bà, càng lớn tuổi, tỷ lệ có thai trong thụ tinh ống nghiệm giảm dần. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn thụ thai ở phụ nữ lớn tuổi do số lượng noãn bào gần như cạn kiệt nhất là tuổi mãn kinh, chất lượng noãn và tần suất giao hợp cũng giảm nhiều so với thời trẻ.
Theo bác sĩ Lan, mỗi buồng trứng chứa khoảng 500 nghìn nang noãn. Tuy nhiên, sau tuổi 35, số lượng nang noãn ở buồng trứng chỉ còn 1.000 nên khả năng thụ thai giảm mạnh.
Theo GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, khả năng có con của phụ nữ bắt đầu giảm từ tuổi 27 và giảm nhanh sau tuổi 35. Những phụ nữ đến độ tuổi 45 mà vẫn muốn có thai thì chỉ có 10% đạt kết quả. Những con số thống kê về sảy thai tăng theo tuổi tác cũng cho thấy, gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sảy thai tăng lên 20% ở độ tuổi 35 – 37 và cao hơn nữa ở những lứa tuổi lớn hơn.
TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng khoa sản, BV Đại học Y dược TPHCM, cảnh báo về nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh Down hoặc dị tật khi mẹ trên 30 tuổi và “phụ nữ tuổi cao cũng tăng nguy cơ sảy thai”.
Nghiên cứu về những rủi ro của người lớn tuổi khi sinh con, bác sĩ Ngọc Lan cho biết: Mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250; 30 tuổi, tỷ lệ con bị bệnh là 1/952, trên 35 tuổi tỷ lệ là 1/378, trên 40 tỷ lệ là 1/106, từ 45 tuổi trở lên tỷ lệ con bị Down là 1/30. Theo bác sĩ Lan ở phụ nữ lớn tuổi khi có con thì cũng dễ có bệnh ở nhau thai, dẫn đến biến chứng khi chuyển dạ và khi đẻ.
“Già hóa dân số” sau năm 2017
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 18% dân số là người cao tuổi. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ bước vào “thời kỳ già hóa dân số” sau năm 2017 và trong 2 thập kỷ tiếp theo sẽ bước vào giai đoạn “dân số già”.
Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam dự báo, đến năm 2050, 30% dân số Việt Nam là người cao tuổi; 81,2% người cao tuổi sống ở nông thôn và 18,8% sống ở thành thị, trong đó, chỉ 16 – 17% người cao tuổi có lương hưu và được trợ cấp rất ít.
Một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cũng cho thấy bức tranh không mấy sáng về dân số già của nước ta, khi 95% người già có bệnh tật, khoảng 55% người mắc bệnh kinh niên mãn tính, đau ốm thường xuyên, chỉ 5,7% người già có sức khỏe khá và tốt.
Nhiều thế hệ cùng chung sống trong một gia đình giảm đi, thay vào đó là những gia đình chỉ có 2 vợ chồng già hay gia đình người cao tuổi đơn thân tăng lên, không ít trường hợp người cao tuổi phải chăm sóc người cao tuổi.
|
Lê Nguyễn
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)