Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hội chứng “chế Đôrêmon” của giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bạn trẻ bỏ không ít thời gian cho việc chế truyện tranh Đôrêmon với những nội dung hết sức… nhảm nhí, thậm chí phản cảm và mạng xã hội Facebook đang là “mảnh đất” màu mỡ để các bạn trẻ thể hiện “tài năng sáng… chế”.
Lập hội chế Đôrêmon
Cũng hình ảnh các nhân vật thân thuộc là Đôrêmon, Nôbita, Xuka, Chaien, Xêkô và bối cảnh của truyện tranh này, nhưng thay vì những nội dung lôi cuốn, hấp dẫn và đậm tính giáo dục thì ở Đôrêmon chế, nhiều “tác giả trẻ” đã lồng vào đó câu từ hoàn toàn khác hẳn. Có khi là những câu nói cho vui như: “Có thể cưỡng lại được mọi thứ trừ sự cám dỗ”; “Muốn không bị cám dỗ thì phải tự… sa ngã”; “Đã lì mà còn ra vẻ có lý”; “Một khi đã ra đi thì không trở lại, mà khi đã trở lại là phải có… âm mưu”; “Nếu bạn khóc hãy gọi cho tôi, tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười nhưng tôi hứa sẽ… cười vào mặt bạn”; “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang ngồi hát vu vơ, khuôn mặt rất ngây thơ và giả vờ không nghe máy”; “Đừng thấy ta cười mà tưởng ta là bạn, ta cười vì sắp có án mạng xảy ra”…
Họ trích câu nói của những nhân vật nổi tiếng có “cải biên” như: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi… mệt lắm rồi” (có hơn 160 lượt người thích). Rồi chế cả những khẩu hiệu như: “Vì tương lai con em chúng ta, mặc kệ con em chúng nó”. Không bỏ qua cả ca dao, tục ngữ: “Có chí thì nên… gội đầu”; “Lời hứa chẳng mất tiền mua, thôi thì cứ hứa cho vừa lòng nhau”; “Khôn ba năm dại một giờ, thôi thì dại trước khỏi chờ ba năm”. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn tự “đúc” ra châm ngôn: “Học hành thì ấm vào thân. Đi ngủ thì ấm từ chân đến đầu”; “Sức khỏe là vô giá, vàng bạc mới có giá”…

Các “nhà chế” đã vô tư lồng khẩu hiệu vào “phát ngôn” của những nhân vật trong truyện, cực kỳ phản cảm: “Hãy yêu có ý thức, đừng để mẹ bạn phải làm bà nội sớm!” (được 120 bạn “thích” và có trên 150 lời bình luận). Và với “chế” thì tình yêu cũng là đề tài muôn thuở: “Người ta mất 3 giây để nói tiếng yêu, 3 giờ để giải thích, 3 ngày để được chấp nhận và cả đời để… ân hận”; “Ngàn lời anh nói không bằng làn khói xe tay ga, ngàn lời thầy khuyên không bằng lời động viên của bạn gái”; “Đừng gây thương nhớ rồi bỏ bê mà hãy gây mê rồi bỏ trốn”; “Ngừng ăn chơi dành tiền cưới vợ, để về già có đứa gánh nợ chung”.
Đặc biệt, những vấn đề thời sự, xã hội nóng sốt luôn là tâm điểm chú ý: “Giang hồ hiểm ác anh không sợ. Chỉ sợ xăng tăng giá bất ngờ”; “The Voice có thể chia thành 5 phần: Giấu mặt, đối mặt, vạch mặt, vỡ mặt, xấu mặt” (không hiểu vì lý do gì nhận được đến 1.600 lượt thích và trên 700 lượt chia sẻ); “Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân của vụ cháy xe hàng loạt là do… lửa” (200 lượt thích).
Chưa kể việc chế cả bài hát rồi biến các nhân vật trong truyện thành “ca sĩ” thể hiện với những câu từ như thế này: “Xa bia mới ban chiều thế mà lòng sao buồn hiu, nhớ bia nhiều. Muốn được ở bên thùng bia để uống cho nhiều, là sao ta? Nói chung là bia đó, mà đó có phải là bia không, mà sao vắng bia lại thèm. Không được ở bên bia lòng buồn vu vơ, mong sao cho hai ta nhậu hoài không say… ”… (ca khúc Teen vọng cổ).
Lợi bất cập hại

Nhiều bạn trẻ bỏ quá nhiều thời gian cho việc chế và giải trí với Đôrêmon bằng những nội dung có khi rất phản cảm

Một số bạn trẻ ấn tượng với Đôrêmon chế nhưng chỉ để vui và quên ngay sau đó. Song cũng có số cảm thấy “khó chấp nhận”. Chu Minh Phú (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đánh giá: “Xem cái này cũng giống như đọc truyện cười, tuy nhiên có rất nhiều nội dung nhảm và phản cảm, cần phải chọn lọc. Sinh viên ngoài thời gian học cần có nhiều hình thức giải trí phù hợp, đừng nên đốt nhiều thời gian đọc, xem hoặc tự chế những thứ như thế”. Anh Phạm Thanh Tân (Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) lí giải, hầu hết các nhân vật trong truyện Đôrêmon đều quen thuộc với giới trẻ ngay từ thuở nhỏ cho nên những cái gì là lạ liên quan đến chúng đều gây thu hút. Nhiều bạn chọn Đôrêmon chế để cập nhật tình hình mới thông qua góc nhìn vui nhộn, dí dỏm. Cũng không phủ nhận số khác thích chế để “câu” sự thu hút của cộng đồng, muốn thể hiện bản thân. Nhưng thực tế, việc chế truyện tranh nước ngoài đã là vi phạm bản quyền, chưa nói một số nội dung trong đó còn phản cảm, làm biến chất, mất đi hình ảnh đẹp của nhân vật, điều này cần phải tránh.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín(Trưởng bộ môn Việt Nam học,Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cũng nhìn nhận, hiện tượng chế truyện Đôrêmon trong giới trẻ hiện nay ở một khía cạnh nào đó phản ánh tính sáng tạo và linh hoạt hóa của các bạn trẻ Việt. Sáng tạo ở chỗ người trẻ biết tận dụng những giá trị sẵn có của nhân loại (sự phổ biến của truyện Đôrêmon –  “tài sản chung” của thế giới) để “cách tân” và chế biến theo lối nghĩ của họ. Và linh hoạt ở chỗ họ biến tấu rất nhanh các câu chuyện theo khuynh hướng hóm hỉnh, ngôn ngữ “thời @” dí dỏm. Tuy nhiên, sự linh hoạt quá mức thường dẫn đến tùy tiện và làm mất đi vẻ đẹp vốn có.
Theo ThS. Tín, nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu về sự phát sinh những ngôn ngữ hay cách diễn đạt mới thời hiện đại. Đây cũng là quy luật tất yếu của sự vận động ngôn ngữ, theo khuynh hướng đề cao cá nhân, tự thể hiện mình của văn hóa phương Tây mà đang ngày càng ảnh hưởng khá mạnh tới giới trẻ. Song, có lẽ đó cũng là mặt trái của Facebook hiện nay, giới trẻ tìm mọi cách để thu hút được cộng đồng trên Facebook bằng kiểu gây sốc, tò mò, hiếu kỳ. “Việc này nhỏ nhưng tác động lớn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không ít đến tư duy của chính giới trẻ. Họ sẽ có khuynh hướng, thói quen nhìn xã hội ở khía cạnh hài hước, thiếu sự nghiêm túc. Họ rất tự tin khi nói những lời vui tươi hóm hỉnh (mà thiếu trí tuệ) nhưng không thể hiện được mình khi gặp phải vấn đề cần nghiêm túc. Lâu dần các bạn trẻ có thể bị quên mất “bản gốc”, chỉ nhớ “bản chế” và dĩ nhiên sẽ dẫn đến thay đổi giá trị nhận thức. Giá như tâm huyết và thời gian ấy, các bạn trẻ dành cho các công trình hoặc chọn lọc những câu từ thanh thoát của cha ông mang lại giá trị nhân văn, lợi ích cho cộng đồng xã hội thì hay biết mấy” – ThS. Tín bày tỏ. Anh Phạm Thanh Tân cũng cho rằng, các bạn trẻ nên sử dụng óc sáng tạo của mình vào những việc có lợi thay vì dành nó để chế ra những cái gây mất thiện cảm, vô ích.
Mê Tâm
Chị Ngọc Huệ (Biên tập viên NXB Tổng hợp TP.HCM) lo ngại, với những trò chế này, các bạn trẻ có đủ nhận thức và bản lĩnh sẽ biết chọn lọc nội dung, khó bị tác động xấu. Tuy nhiên, với một số ít khác vốn được gia đình quan tâm chẳng hạn, nhất là trong độ tuổi đang trải qua những chuyển biến tâm lý lớn của tuổi dậy thì, nếu không định hướng đúng có khi sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)