Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hội chứng chuyển hóa ở trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Hội chứng chuyển hóa ở trẻ em khác với các bệnh lý chuyển hóa vốn do bất thường về hoạt động của các nội tiết tố hoặc các chất hóa học trong cơ thể.

Ảnh: Shutterstock
Ngay ở lứa tuổi trẻ em, hội chứng chuyển hóa (HCCH, hay hội chứng X) đã trở thành một vấn đề sức khỏe cần phải báo động. HCCH là một tập hợp các yếu tố nguy cơ làm trẻ nhanh chóng bị bệnh tim mạch và tiểu đường dạng 2. Một trẻ có HCCH phải có ít nhất 3 trong các biểu hiện sau đây: béo bụng quá mức; tăng huyết áp, mỡ trong máu cao bất thường; tăng đường máu hoặc giảm dung nạp đường.
Cho đến nay có rất nhiều người còn cho rằng HCCH là bệnh của người lớn hoặc ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, trong vòng 10 năm qua vấn đề này ngày càng thu hút sự chú ý của các bác sĩ nhi khoa ở Việt Nam. Một nghiên cứu quy mô gần đây được thực hiện ở học sinh từ 10 – 15 tuổi tại Biên Hòa (Đồng Nai) ghi nhận tỷ lệ mắc HCCH cao đến 31,37% trong số các em bị thừa cân, béo phì. Đây là một con số rất đáng báo động.
Nguyên nhân
Chế độ ăn nhiều năng lượng, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt là những thủ phạm đầu tiên. Những trẻ thường xuyên chơi trò chơi điện tử, thường xuyên xem truyền hình và dĩ nhiên là ít vận động cũng có nguy cơ cao mắc HCCH.
Lứa tuổi dễ mắc HCCH nhất là vào giai đoạn dậy thì do thay đổi các nội tiết tố, thay đổi lối sống, thay đổi mức độ trao đổi thông tin giữa cha mẹ và con cái. Trẻ em sinh ra trong gia đình có người thân bị bệnh tim hoặc tiểu đường có nguy cơ cao bị hội chứng này.
Hệ quả
Ngày nay, các nghiên cứu y học đã chứng minh một cách rõ ràng rằng những trẻ em béo phì ở tuổi tiền dậy thì mạch máu đã có những vệt mỡ, là dấu hiệu sớm của chứng xơ vữa động mạch. Quá trình này càng diễn ra nhanh chóng ở những trẻ em béo phì có HCCH. Điều nguy hiểm là HCCH không gây đau đớn và do vậy thường không được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kịp thời thì trẻ sẽ xuất hiện nhiều bệnh lý như xơ vữa động mạch, suy giảm chức năng thận, đề kháng với insulin, hội chứng buồng trứng đa nang ở trẻ em gái, loạn sắc tố da biểu hiện bằng các mảng da màu đen sau gáy, khuỷu tay, vùng bẹn, giữa các ngón tay chân. Dĩ nhiên, hậu quả cuối cùng là bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường xuất hiện sớm cùng với hàng loạt hệ lụy nguy hiểm của chúng làm rút ngắn tuổi thọ cũng như làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh.
Điều trị và phòng tránh
Để chẩn đoán HCCH thì trẻ phải được đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đường máu, mỡ máu và làm một số xét nghiệm chuyên biệt khác. Nếu một trẻ được chẩn đoán mắc HCCH thì điều này không có nghĩa là trẻ đó đã bị bệnh tim mạch hay tiểu đường mà chỉ tăng nguy cơ mắc hai bệnh này. Một số trẻ chỉ cần thay đổi lối sống và dinh dưỡng cũng đủ cải thiện tình hình.
Những biện pháp cần phải thực hiện gồm giảm cân thừa, tăng cường vận động thể lực, kiểm soát thời gian ngồi trước màn hình máy tính hoặc ti vi, có chế độ ăn lành mạnh nhiều rau củ quả cũng như hạn chế chất ngọt, chất béo, thức uống có ga, tăng cường cung cấp chất xơ, không hút thuốc lá.
Nếu các biện pháp trên vẫn không đạt hiệu quả thì đôi khi thầy thuốc sẽ phải kê một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu hoặc các thuốc làm giảm đường máu tùy theo từng trẻ cụ thể. Một số trường hợp nặng cần phải phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Các thuốc giảm cân dùng ở người lớn chưa được công nhận rộng rãi cho trẻ em.
TS-BS Lê Minh Khôi
(BV Đại học Y Dược TP.HCM)
Theo TNO


Bình luận (0)