Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hội chứng “con nhà giàu”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều gia đình giàu có, bố mẹ thành đạt nhưng con cái lại hư hỏng.

Họa… “nhà giàu” 

Khoảng những năm 1996, 1997, nạn sinh viên nghiện hút dấy lên ở các trường đại học, đặc biệt là những trường đại học có đông sinh viên nam như Xây dựng, Bách Khoa, Kinh tế quốc dân. 

Ngày đó, bạn tôi là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa cũng bập vào ma túy nên tôi biết rất rõ tình hình sinh viên trường này dính nghiện như thế nào. Hầu hết họ là con những gia đình khá giả, trong đó không ít cậu có bố mẹ là doanh nhân nổi tiếng hoặc là quan chức ở các địa phương. 

Có trường hợp, hai anh em quê ở TP Vinh, Nghệ An. Anh học Trường ĐH Kinh tế quốc dân, em học Trường ĐH Ngoại thương, bố là chủ tàu viễn dương, gia đình rất giàu có nhưng cả hai đều dính nghiện. Người em chết vì bị tai nạn xe máy, còn người anh thì “dặt dẹo” đi cai nghiện hết lần này, lượt khác vẫn không xong. Tài sản của gia đình lần lượt đội nón ra đi, người cha chán nản buông trôi cuộc sống, còn người mẹ ngày càng đau khổ héo mòn. Gia đình một thời là niềm mơ ước của không biết bao nhiêu người trở nên tan nát.  

Hiện nay, nạn sinh viên nghiện ma túy đã không còn hoành hành như trước đây nhưng, những công tử, tiểu thư con nhà giàu vẫn đốt tiền và có những thú chơi “điên” khét tiếng: Lắc, hồng phiến, đốt đô, phóng hỏa xe máy giữa đường… Nhiều quý tử mới 18, đôi mươi chưa kiếm ra một đồng nhưng đã thành thạo các ngón ăn chơi đàng điếm. Rượu chè, cờ bạc, vũ trường, xài đồ hiệu, đi xế hộp thậm chí còn có thú… “mê gái” để xứng tầm với “đại gia”.  

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, Trung tâm tư vấn Linh Tâm cho rằng, đó là thực trạng đau lòng mà không ít nhà giàu phải hứng chịu. Con nhà giàu có hai hệ: Một là giàu do làm ăn lương thiện, những doanh nhân làm ăn chân chính, do trí tuệ và tài năng. Dạng thứ hai là giàu có do làm ăn phi pháp, hoặc giàu có một cách bất ngờ, do trúng xổ số, do đất cát, chứng khoán… Ở những gia đình giàu có một cách bất thường, nếu không chú trọng giáo dục con cái thì con cái dễ sinh hư. Kiểu ăn chơi của các quý tử con nhà giàu kể trên thường rơi vào các gia đình kiểu này.

Hầu hết sinh viên con nhà giàu ham chơi đua đòi đã chọn vũ trường, nhà hàng sang trọng làm điểm đến quen thuộc. (Ảnh minh họa)

Dạy trẻ biết trân trọng giá trị của đồng tiền 

Theo chuyên gia tư vấn Đặng Hà Linh, Trung tâm tư vấn Hạnh phúc gia đình, sự hư hỏng của con cái chủ yếu vẫn là do sự giáo dục của cha mẹ và cách sống của từng gia đình. Tuy nhiên, sự giàu có đôi khi cũng là “cái họa” đối với những đứa con của họ nếu các bậc phụ huynh không chú trọng đến nền tảng giáo dục gia đình. 

Con cái của những gia đình giàu có thường được lớn lên trong sự đủ đầy. Nếu không giáo dục cho con biết yêu lao động và trân trọng giá trị của đồng tiền thì sẽ rất dễ khiến cho con của họ có cách sống hưởng thụ, ích kỷ và không có ý chí phấn đấu.  

Nhận thức được “mặt trái” của sự giàu có này, hiện nhiều gia đình thành đạt rất chú trọng đến vấn đề giáo dục con. Câu chuyện giáo dục con sau đây của một ông giám đốc ở Hà Nội sẽ là câu chuyện đáng để cho chúng ta suy ngẫm.  

Gia đình ông ở Sài Gòn, vợ là người gốc Hoa. Họ rất giàu, có vài cái nhà ở Sài Gòn cho Tây thuê, nhưng khi con gái của họ bước vào học phổ thông trung học, họ đã khuyến khích cháu đi phụ giúp bán hàng tại một quán cơm mỗi ngày 1 tiếng. Tiền làm thêm, cháu được toàn quyền mua quà sinh nhật tặng bạn hoặc mua sách, truyện mà cháu yêu thích. Đến đứa con trai thứ hai cũng vậy, ông cho cháu đi làm gia sư tiếng Anh. Giờ hai con của ông đã du học bên Mỹ. Con gái đã tốt nghiệp đại học, có việc làm và lấy chồng. Còn cậu con trai đang là sinh viên học rất giỏi, vẫn đi làm thêm kiếm tiền.  

Ông từng nói, điều quan trọng nhất khi ông cho con đi làm thêm là để cho cháu biết, làm ra đồng tiền là vất vả và cực nhọc thế nào. Qua lao động sẽ giúp cho con trẻ biết trân trọng những đồng tiền được làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình.  

Theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, nhiều tỷ phú vẫn cho con ở ký túc xá như những sinh viên bình thường khác và cho con một số tiền khiêm tốn để tiêu pha. Đối với con trẻ, khi còn cắp sách đến trường, bố mẹ không nên cho những món tiền lớn. Có những gia đình giàu có khi con làm được việc gì đó khiến bố mẹ hài lòng, họ sẵn sàng thưởng con hàng ngàn đô la. Điều đó vô hình trung “xúi” trẻ con hưởng thụ những đồng tiền không phải của mình một cách bất bình thường. Họ đã vô tình dạy con lối sống hưởng thụ, chỉ để đến khi phải gánh lấy những hệ lụy từ lối sống hưởng thụ ích kỷ đó của con, lúc đó hối thì đã muộn.

 

Theo Trần Thị Tươi

Gia Đình & Xã Hội

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)