Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hội chứng đưa trẻ đi học chữ trước: Mất nhiều nhưng được chẳng bao nhiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Sợ con em mình thua bạn kém bè, không ít phụ huynh bắt con đi học chữ trước. Nhiều cô bé, cậu bé mới 5 tuổi vừa tan học ở trường mầm non (MN) là bị cha mẹ “đem” vào các lò luyện chữ. Thậm chí có một số trẻ còn bị cha mẹ tước đi cái quyền được đến trường MN để đi học chữ. Liệu trẻ được học chữ trước có thật sự tài giỏi hơn các bạn khi vào lớp 1?
Về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Thực ra những cái mà trẻ 5 tuổi phải hì hục học trước suốt một năm, khi vào lớp 1 chỉ cần 1 đến 2 tháng là các bé “thanh toán” hết. Bởi đến giai đoạn phát triển thì trẻ sẽ giải quyết rất nhanh, tiếp thu rất nhanh. Trẻ học trước chương trình khi vào lớp 1 có khi chủ quan, hai tháng sau là hết vốn trong khi phải hì hục suốt cả một năm học. Tóm lại, trẻ phải học chữ sớm rất vất vả, được chẳng bao nhiêu mà mất rất nhiều”.
PV: Xin bà nói rõ hơn về cái mà trẻ mất khi đi học chữ trước?
ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Khả năng phối hợp mắt và tay ở lứa trẻ 5 tuổi rất yếu, hoạt động tinh của ngón tay chưa hoàn thiện nên trẻ viết theo kiểu ở trường MN thì được – ở MN viết chữ gọi là vẽ chữ. Đối với trẻ MN mỗi con chữ cũng giống như một tác phẩm tạo hình, một bức vẽ. Nếu bắt một đứa trẻ 5 tuổi ngồi viết theo kiểu học sinh lớp 1 là rất nguy hiểm. Khi ngồi vào bàn trẻ cứ phải cúi gằm cái mặt xuống, lưng bị vẹo sang một bên làm sai lệch cái tư thế ngồi viết. Tình trạng này cứ kéo dài thì trẻ sẽ bị vẹo cột sống, bị cận thị và hình thành thói quen xấu, lên lớp 1 các cô giáo sửa rất khó.
Trẻ 5 tuổi không có sự khéo léo như trẻ 6 tuổi nên cứ viết trồi ra khỏi những ô ly dễ bị cô giáo la rầy, phụ huynh mắng. Thế là trẻ có ác cảm với việc học hành.
Có không ít phụ huynh cho rằng do trường MN không dạy chữ, khi vào lớp 1 trẻ sẽ phải “bơi” nên đành phải cho con đi học chữ trước. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Ở trường MN, trẻ được làm quen với văn học và chữ viết. Trong suốt một ngày trẻ được “sống” trong môi trường chữ, trẻ được nghe cô giáo kể chuyện, rồi kể lại chuyện cho mọi người nghe. Trẻ được nói rất nhiều, nghĩa là cô giáo phát triển cho trẻ ngôn ngữ mạch lạc, phát triển khả năng nghe và hiểu. Đây là những năng lực học tập rất quan trọng để vào lớp 1 trẻ có thể tiếp thu được tất cả những điều cô giáo dạy.
Đó là cái gốc, còn việc phụ huynh bắt con đi học trước chương trình lớp 1 chỉ là hớt cái ngọn. Thấy con viết được mấy chữ, làm được mấy bài toán là ok, là “ngon rồi đấy” mà không biết được khả năng nghe hiểu của con đến đâu, khả năng diễn đạt ngôn ngữ mạch lạc như thế nào. Trẻ phải nói năng mạch lạc theo đúng chuẩn phát triển 5 tuổi thì nói cô giáo mới hiểu, mới giao tiếp được với các bạn. Ví dụ cô giáo kiểm tra, trẻ nói thì cô mới biết được trẻ có hiểu bài hay không. Nếu ngôn ngữ không mạch lạc thì trẻ muốn nói cái gì cũng không nói được, muốn đề nghị cô giáo cái gì cô giáo cũng không hiểu, vậy làm sao học.
Với môn toán học thì sao, ở trường trẻ có được làm quen không, thưa bà?

Ở trường MN trẻ được cung cấp năng lực tốt nhất để vào lớp 1. Ảnh: H.T
Ở MN có rất nhiều bài tập trò chơi, qua đó cô giáo luyện cho trẻ khả năng so sánh và quan sát. Ví dụ, cô cho trẻ ra ngoài trời chơi, cho quan sát cây cao – cây thấp, cây to – cây bé, hoa đỏ, hoa vàng, hoa trắng. Theo đó trẻ phải quan sát để nhận biết được những cái gì trái ngược nhau, hoặc cái gì giống nhau. Trẻ cũng được học phân loại các đồ vật, học so sánh các tập hợp từ 1-10, các đồ vật có cùng chức năng hoặc không cùng chức năng. Học một số khái niệm toán cơ bản như hình dạng, kích thước, màu sắc, định hướng trong không gian và làm một số thao tác đơn giản như thêm bớt để tạo thành những tập hợp bằng nhau hoặc khác nhau, nghĩa là trẻ chơi với những con số. Trường MN dạy trẻ biết xếp tương ứng 1-1 là cái căn bản để trẻ học toán lớp 1 vì cộng trừ ở lớp 1 là thêm và bớt ở mẫu giáo. Ở mẫu giáo trẻ nào cũng biết làm nhưng nếu không đi học thì không biết làm.
Đứa trẻ 5 tuổi, tư duy logic chưa phát triển như trẻ 6 tuổi nên việc học của trẻ phải theo phương pháp trực quan hành động thì mới phù hợp và trẻ mới hiểu. Và trẻ hiểu một cách bản chất, hiểu có cái gốc. Trẻ phải qua giai đoạn tư duy hình tượng, hình ảnh, hành động rồi mới đến giai đoạn tư duy logic. Nếu phụ huynh không cho trẻ học MN thì sẽ bỏ qua giai đoạn tư duy hình tượng mà đi ngay vào giai đoạn tư duy logic là rất khó cho đứa trẻ.
Ngoài ra, trẻ còn được cung cấp thêm những kiến thức gì ở trường MN thưa bà?
Đó là sự chú ý có chủ định, trí nhớ có chủ định. Ở MN, giáo viên cho trẻ chơi các bài tập để rèn luyện tính chú ý có chủ định, tức là trẻ phải cố gắng chú ý vào những điều cô giáo giảng trên lớp trong một thời gian nhất định. Từ đấy mới hình thành được tính chú ý. Những đứa trẻ không có tính chú ý, không có khả năng tập trung suy nghĩ để chú ý vào một việc gì đó thì sau này không học tập được.
Hiện TP.HCM vẫn còn khoảng 2-3% trẻ 5 tuổi chưa ra lớp, 10% trẻ học 1 buổi. Khá nhiều trong số đó bị cha mẹ bắt ở nhà để đi học chữ. Bà có khuyến cáo gì đối với những phụ huynh “ấu trĩ” này không?
Phụ huynh không nên coi thường những giờ học ở trường MN. Đi học, trẻ có một môi trường giao tiếp rất tốt, khả năng giao tiếp trước đám đông được phát triển. Nếu trẻ không biết cách diễn đạt trước đám đông thì rất khó học.
Phụ huynh đừng cho con học trước chương trình lớp 1, đừng “hành” con bằng cách 5 giờ chiều là thảy con vào nhà cô giáo lớp 1. Như vậy là làm khổ con, là rút ngắn tuổi thơ của con…
Xin cám ơn bà!
Hòa Triều (thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)