Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hội chứng “LCD”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những khoản thu vô lý vào đầu năm học thường được nhà trường lý giải do vận động của Ban đại diện cha mẹ HS. Nhưng cũng chính các phụ huynh lại bất bình với kiểu vận động đóng góp này.

 
LCD là… “giáo cụ”
Những trường có các khoản thu cao phần lớn đều chung lý do: đầu tư giáo cụ hiện đại phục vụ giảng dạy.
Đầu năm học, nhiều phụ huynh (PH) trường tiểu học (TH) Trung Tự (Q.Đống Đa, Hà Nội) bức xúc khi giáo viên yêu cầu PH tự nguyện đóng tiền mua LCD giá 45 triệu đồng. 
Những đồ dùng học tập trực quan góp phần giúp HS tiểu học rèn kỹ năng quan sát. Không nhất thiết phải có LCD, HS mới học tốt – Ảnh: Đ.N.T
Tại TP.HCM, sau buổi họp PH đầu năm, chị T.V – PH lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11) đã điện thoại đến Báo Thanh Niên nhờ tư vấn. Chị T.V bức xúc: “Chi hội trưởng Ban đại diện cha mẹ HS thông báo mỗi HS phải đóng 400.000 đồng để mua màn hình LCD phục vụ đổi mới phương pháp dạy học”. Chị còn cho biết: “Tôi có gọi cho Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 để hỏi, thì được trả lời luôn là không được đóng, và ông sẽ làm việc lại với hiệu trưởng về việc này. Nhưng nếu những người khác đóng hết, chỉ còn tôi không đóng, liệu có được không?”.
Trong buổi họp PH của lớp 1/2 trường TH Trần Văn Ơn (Q.Gò Vấp), GV chủ nhiệm thông báo mục đích ý nghĩa của việc gắn màn hình LCD cho lớp. Theo cô giáo thì đây là một công cụ rất cần thiết trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài ra, mỗi HS chỉ cần đóng tiền 1 lần nhưng sẽ được hưởng thụ trong 5 năm học. Do vậy, số tiền 400.000 đồng/HS không phải là quá lớn. Trong khi đó, cũng tại Q.Gò Vấp, trường TH Nguyễn Viết Xuân thu thêm 300.000 đồng/HS, trường THCS Phan Tây Hồ thu 700.000 đồng/HS, trường THCS Quang Trung thu 200.000 đồng/HS… để trang bị loại “giáo cụ” này. Còn trong buổi họp PH HS trường TH Nguyễn Thượng Hiền, Ban đại diện cha mẹ HS thông báo “miệng” yêu cầu mỗi PH đóng 600.000 đồng để nhà trường trang bị máy tính cho lớp trị giá khoảng 25 triệu đồng… Chị Kim Anh, PH HS trường THCS Quang Trung bức xúc: “Cô giáo thông báo nếu mua LCD mà còn dư tiền thì sẽ mua laptop cho cô để phục vụ giảng dạy”.
Tự nguyện hay ép buộc?
Trao đổi với lãnh đạo các trường về những khoản thu không cần thiết này, phần lớn các hiệu trưởng đều nói đây là do sự vận động của cha mẹ HS chứ không phải chủ trương của trường (!).
Bà Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11) cho biết: “Trang bị màn hình LCD với mong muốn đổi mới phương pháp dạy học. Đây là một loại “giáo cụ” trực quan, hỗ trợ thêm để bài giảng của cô giáo thêm sinh động, gây hứng thú cho HS trong giờ học. Chủ trương của Ban đại diện cha mẹ HS là vận động một số mạnh thường quân có điều kiện chứ không ép buộc tất cả PH. Nhưng qua kỳ họp PH đầu năm, nhiều PH phản ứng nên nhà trường vẫn chưa triển khai”.
Bà Nguyễn Thị Lương Thanh, Hiệu trưởng trường TH Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) cũng nói: “Nhu cầu gắn LCD trong lớp học là do PH nhận thấy cần thiết nên họ tự vận động để gắn. Thật ra, nếu không có LCD thì nhà trường vẫn có phòng chức năng để phục vụ công tác giảng dạy bằng giáo án điện tử. Nhưng cả 1 trường với 45 lớp, nếu xếp lịch thì mỗi tuần HS được học tại phòng này rất ít và việc di chuyển từ lớp học đến phòng chức năng cũng bất tiện”.
Trả lời ông Tiến Dũng – PH trường TH Trần Văn Ơn, Q.11 phản ảnh trường vận động mỗi HS đóng 150.000 đồng để mua LCD, ông Phạm Thanh Minh, Hiệu trưởng trường nói: “PH ở các lớp tiếng Anh tăng cường có nhu cầu lắp LCD để phục vụ việc học tiếng Anh cho con em mình. Nhưng khi Ban đại diện cha mẹ HS các lớp này yêu cầu, chúng tôi cũng đã thống nhất nếu toàn bộ PH trong lớp thống nhất thì mới làm, còn không thì thôi” .
Đâu rồi ý nghĩa “đại diện”?
Vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện LCD, tiền trồng cây xanh hay các khoản thu khác mà chính là cách vận động của Ban đại diện cha mẹ HS.
Nếu phải đóng góp những khoản thật sự cần thiết, chắc không PH nào từ chối. Thực tế, một số PH có điều kiện, muốn con em mình được thoải mái trong học tập nên thường có những đề xuất mua sắm thêm  trong trường/lớp nhưng điều này chưa thật sự cần thiết; nhà trường thường cũng không phản đối trước những đề nghị này. Tuy nhiên, không phải tất cả PH đều có điều kiện giống nhau nên dẫn đến tình trạng bất bình là lẽ đương nhiên. Mặc dù nhiều ban đại diện cha mẹ HS tuyên bố đây là tự nguyện, ai đóng thì đóng nhưng thử hỏi PH nào không đóng có cảm thấy thoải mái? 
Từ những thực tế này cho thấy, không phải lúc nào Ban đại diện cha mẹ HS cũng thật sự là tiếng nói của đông đảo PH.
Nhiều khoản thu “tự nguyện”
Trường THCS Lê Quý Đôn Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đặt ra một loạt các khoản thu ngoài học phí bao gồm: quỹ khuyến học, quỹ PH trường, nước uống, vệ sinh, xây nhà truyền thống 400.000 đồng, lắp điều hòa: 500.000 đồng, rèm cửa 200.000 đồng, quỹ PH lớp 580.000…
Tổng cộng tất cả số tiền PH dự kiến phải nộp là 2,6 triệu. Điều đáng nói, mỗi khoản đóng đều có tờ cam kết “Tôi tự nguyện” đánh máy sẵn, PH chỉ việc ký. Trong buổi họp PH có 19/45 ý kiến phản đối, nhưng trưởng ban cha mẹ HS ép tất cả phải theo vì đây là lớp chọn.
Một PH có con năm nay vào lớp 1 trường TH ở Q.Cầu Giấy bức xúc cho biết: Ngay khi làm thủ tục nhập học vào trường, PH đã phải đóng một khoản tiền tự nguyện để con mình được học ở phòng học có trang bị điều hòa, mức “tự nguyện” thấp nhất là 500.000 đồng. Ban đại diện cha mẹ HS của trường này còn đứng ra yêu cầu mỗi lớp phải đóng tiền mua tặng nhà trường 2 cây cảnh và một khoản tiền “hỗ trợ các hoạt động của nhà trường”: 50.000 đồng/HS.
PH lớp 4/2 trường TH Lê Thị Hồng Gấm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nêu bức xúc: “Trường thu cả tiền may đồng phục múa, mướn người trồng cây xanh”… Bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng GD, người trực tiếp thanh tra sự việc của trường TH Lê Thị Hồng Gấm cho biết phòng đã chỉ đạo nhà trường chấm dứt không được thu và trả lại tiền cho những PH nào đã đóng.
Theo Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)