Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hội chứng ngược đãi bản thân ở tuổi teen

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực về học hành cũng là một nguyên nhân dẫn đến hội chứng ngược đãi bản thân ở tuổi teen

Dùng dao, mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân ở tuổi teen. Đây được xem như một nguy cơ đe dọa của những “công dân tương lai”, bởi họ không còn yêu quý bản thân thì khó có thể hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Ức chế tâm lý dẫn đến bệnh lý
Ông Nguyễn Trọng An – Phó vụ trưởng Vụ trẻ em, Bộ Y tế cho biết: “Trẻ vị thành niên bị ức chế tâm lý liên tục mà không được giải tỏa sẽ bị tổn thương tinh thần, lâu dần tích tụ tạo thành những vòng xoắn, có thể biểu hiện thành hành động hung hãn, chống đối, gây rối loạn xã hội hoặc sống khép kín, tự ti, mặc cảm dẫn đến trầm uất. Thậm chí, trẻ có những hành động đáng tiếc như ngược đãi bản thân và cao hơn là tự sát để thoát khỏi bế tắc”.
Với cuộc sống ngày càng hiện đại, trẻ vị thành niên được tiếp xúc với luồng thông tin đa chiều, bị nhiều chi phối và được coi là “già trước tuổi” nhưng trong con mắt của cha mẹ, thầy cô chúng luôn bị coi là trẻ con, dễ bị hư hỏng và để quản lý cần phải “thiết quân luật”.
Ông Nguyễn An Chất, GĐ Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng: “Hiện nay, ở trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngược đãi bản thân ở tuổi teen”.
Trẻ vị thành niên có nhiều cách để giải quyết những tình huống khó khăn hay những cú sốc tinh thần bằng cách chia sẻ với cha mẹ, người thân, bạn bè, thậm chí là tới các chuyên gia tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, một số em có hành động ngược đãi bản thân thường bế tắc trong cách giải quyết, phản ứng tiêu cực trước nỗi đau tình cảm, áp lực học hành hay rắc rối trong các mối quan hệ. Cảm giác đau đớn khi tự cứa vào da thịt mình, nhìn máu chảy khiến trẻ như được thoát khỏi cảm giác tồi tệ và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Trẻ làm điều đó trong cảm xúc mãnh liệt, nỗi tuyệt vọng và sự khủng hoảng, trống rỗng tột độ. Ngược đãi bản thân trở thành giải pháp để giải tỏa tâm lý của trẻ, cũng có khi nó như cách để điều khiển cảm xúc khi được đẩy lên đến mức không kiểm soát nổi.
Cũng có trường hợp, trẻ tự ngược đãi mình cao hơn là tự sát chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là gây sự chú ý của mọi người, khi chúng cảm thấy thương xót cho chính nỗi cô đơn của mình. Trường hợp này thường gặp ở trẻ có lối sống khép kín, không thể hiện được mình, bị mọi người mà đặc biệt là người thân thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vô cảm với chúng.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Hiện nay, áp lực từ phía gia đình lên các em cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng tự ngược đãi bản thân của các em tuổi vị thành niên. Nhiều bậc cha mẹ rất thiếu kiến thức để giáo dục con cái. Họ dùng quyền để áp đặt lên con cái, không quan tâm đến suy nghĩ, phản ứng của chúng như thế nào. Vì vậy, để phản ứng, chúng thường làm ngược lại mặc dù chúng biết là sai.
Bà Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Viện Nhi TW cho biết: “Nhiều học sinh đến đây nhờ tư vấn, lo lắng về chuyện thi cử, sợ trượt đại học, không biết phải làm gì và có suy nghĩ muốn tự sát. Các cháu đều không muốn, hoặc không dám chia sẻ với cha mẹ, bạn bè. Bởi chính cha mẹ là người mong muốn và tin tưởng chúng nhất. Mặt khác lứa tuổi sắp trưởng thành vốn có nhiều ước vọng, hoài bão, mong muốn xa rời thực tế, nên khi đổ vỡ rất dễ dẫn đến bi quan chán nản”.
Lứa tuổi vị thành niên vốn tâm lý chưa ổn định. Do đó, những cuộc trao đổi trò chuyện cởi mở, thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để hiểu và khuyên bảo con. Thân thiện và tôn trọng con, biết chúng suy nghĩ gì để động viên, khuyến khích hoặc ngăn chặn kịp thời là lời khuyên lớn nhất dành cho các bậc cha mẹ.
Cha mẹ không những trở thành người bạn để chia sẻ mọi tâm tư với con cái mà chính họ phải thừa nhận những mặt mạnh, yếu của mình cũng như điều được và chưa được của con cái để tạo ra sự công bằng trong cách ứng xử. Cuộc sống bận rộn, gấp gáp, khiến nhiều người không có thời gian quan tâm đến gia đình, con cái. Vô hình trung, sự thờ ơ đó nhiều khi đã đẩy con cái đến “cuối đường hầm” không lối thoát.
Minh Quế
Trên cơ thể trẻ bị chứng tự ngược đãi bản thân thường xuất hiện nhiều vết cắt, đốt hay tóc ngày một ít đi. Trên thực tế, việc làm cơ thể bị đau có thể mang lại cho trẻ cảm giác dễ chịu nhất thời, nhưng sau đó là cảm giác tồi tệ hơn rất nhiều và nguy hiểm nhất là tính mạng có thể bị đe dọa khi vết thương quá nặng.
 

 

Bình luận (0)