Hội chứng ống cổ tay thường bắt đầu bằng cảm giác tê ở cổ tay, sau đó lan xuống ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Triệu chứng này thường xuất hiện vào ban đêm khi đang ngủ. Dần dần, có thể làm mất cảm giác ở các ngón tay khiến chúng ta không thể nắm chặt hay nâng một vật dụng, thậm chí không thể viết.
Vì sao bị hội chứng ống cổ tay?
Cổ tay con người có một khoảng trống ở giữa gọi là ống cổ tay, chứa các dây thần kinh điều khiển ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, nửa ngón áp út và các dây chằng bao quanh các gân gấp của bàn tay. Dây thần kinh giữa nằm trong ống cổ tay cùng với các gân cơ, là dây thần kinh hỗn hợp, vừa truyền cảm giác từ ngoại biên về trung ương, vừa truyền mệnh lệnh vận động từ trung ương đến các ngón tay.
Khi bàn tay chúng ta làm một việc gì đó lặp đi lặp lại một cách thường xuyên, thì các gân cơ sẽ bắt đầu phình lên. Một khi không gian trong ống cổ tay bị hẹp lại, dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép nên gây ra cảm giác tê và đau nhức tay.
Hội chứng ống cổ tay còn nguyên nhân từ những chấn thương ở cổ tay như xương cổ tay bị vỡ, bong gân, gãy xương… và những chấn thương đó đã làm thay đổi không gian trong ống cổ tay.
Ngoài ra, hội chứng ống cổ tay xuất hiện cũng có thể do chứng phong thấp, hay do một u nang, khối u nào đó trong hoặc gần ống cổ tay. Đôi khi, nguyên nhân còn bởi sự căng thẳng của việc dùng máy móc làm ảnh hưởng tới cổ tay. Điều này dễ thấy ở những người làm nghề thợ may, làm việc trong dây chuyền thực phẩm, hoặc nhân viên văn phòng thường xuyên làm việc với máy tính.
Cách điều trị
Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, có thể điều trị bằng những bài tập thể dục nhẹ: cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, năng xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn.
Trường hợp bạn vẫn còn cảm thấy đau, tốt nhất nên đến khám bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể và chỉ định một số thuốc giảm đau.
Cách điều trị cuối cùng là giải phẫu. Giải phẫu sẽ giúp tăng không gian trong ống cổ tay và gần như có kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, sau khi giải phẫu, người bệnh phải điều trị vật lý trong một thời gian ngắn để tay hoạt động trở lại bình thường. Việc giải phẫu cũng có thể làm suy yếu chức năng của các dây thần kinh, nhưng nguy cơ này hiếm khi xảy ra.
Phụ Nữ
(Theo Indiaparenting)
(Theo Indiaparenting)
Bình luận (0)