Ngày đầu tiên đi học của các bé lớp Mầm Trường MN 9 (Q.3)
|
2-3 tuổi, mặc dù trẻ đã biết nói nhưng chưa thể diễn tả được những cảm xúc của mình bằng lời nói. Đây chính là trở ngại lớn của trẻ khi bắt đầu đi học.
Tuy nhiên, nếu người lớn hiểu được điều này thì sẽ giúp trẻ giải tỏa những biến đổi tâm lý mang tính quy luật khi trẻ đi học lần đầu…
Những thay đổi ảnh hưởng đến tâm lý trẻ
Theo ThS. tâm lý Kiều Thanh Hà – Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – có nhiều sự thay đổi ảnh hưởng đến tâm lý trẻ khi lần đầu tiên đi học.
Trước tiên phải kể đến sự thay đổi không gian, môi trường. Ở nhà, trẻ thân thuộc với tất cả đồ dùng, các góc sinh hoạt, khung cảnh. Sự thân thuộc này làm cho trẻ thoải mái, cảm thấy an toàn. Khi đến trường, môi trường hoàn toàn mới lạ. Điều này khiến trẻ cảm thấy không bình thường, từ đó xuất hiện tâm trạng lo lắng, bất an.
“Ở nhà trẻ luôn được đáp ứng tất cả các nhu cầu vào bất kỳ thời điểm nào. Trẻ muốn ăn, muốn chơi đều có ba mẹ, anh chị, ông bà sẵn sàng chiều chuộng. Nhưng khi đến trường, cô giáo không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của trẻ. Bởi, mỗi lớp có 30-40 học sinh mà chỉ có 2-3 cô giáo, đương nhiên là các cô không thể quan tâm đến từng trẻ thật kỹ như ở nhà. Vì vậy, trẻ cảm thấy hụt hẫng. Ngoài ra, giờ giấc sinh hoạt không thoải mái như ở nhà cũng khiến trẻ cảm thấy ít nhiều bị ức chế. Không chỉ vậy, ở nhà, trẻ đã quen với giọng nói, tính nết của người thân. Nhưng khi đến trường, trẻ không còn cảm giác gần gũi đó nữa. Vả lại, với điều kiện sống tập thể như ở trường, trẻ sẽ không được quan tâm chu đáo như ở nhà. Do vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi giữa những người xa lạ”, ThS. Thanh Hà cho biết.
Cuối cùng là những thay đổi về các mối quan hệ, giao tiếp. “Ở nhà lúc nào trẻ cũng được nựng nịu, được coi là “nhất”. Nhưng khi đến trường, giữa một nhóm bạn, mỗi trẻ một thói quen, một tính cách, trẻ không còn là nhất nữa. Từ đó dẫn đến những biến đổi tâm lý nhất định”, ThS. Thanh Hà cho biết thêm.
Từ những thay đổi trên đã khiến cho trẻ sợ đi học, thậm chí trẻ có suy nghĩ tiêu cực rằng đi học là bị “giam cầm” trong trường…
Giúp trẻ vượt qua “chướng ngại vật”
Những nỗi sợ hãi khi đi học đã thành tâm lý chống đỡ ở trẻ, giống như một hình thức phản ứng để thích nghi với sự thay đổi. ThS. Thanh Hà cho biết trẻ thường có những biểu hiện như sau: “Trẻ có vẻ hư hơn khi về nhà, có thể quậy phá, vòi vĩnh. Thực chất là để gây sự chú ý, quan tâm, đòi hỏi tình yêu của cha mẹ dành cho mình mà trẻ có cảm giác bị thiếu. Cũng có trẻ tỏ ra bạo lực, không nghe lời cha mẹ như một cơ chế giải tỏa những căng thẳng khi ở trường. Một số trẻ trở nên biếng ăn, cứ đến trường là đau bụng, nôn ói, mặc dù trên thực tế lâm sàng trẻ không bị bệnh gì cả. Đây là một phản ứng tâm lý rất thông thường của trẻ. Cũng có trẻ bỗng dưng mắc chứng đái dầm. Do ở trường trẻ hình thành cơ chế chống đỡ và chịu đựng, khi về nhà cơ chế này có thể tái hiện khiến trẻ sợ hãi và đái dầm. Đây cũng là một hiện tượng tâm lý rất bình thường khi trẻ bắt đầu đi học, cha mẹ cần biết và có những giải pháp thích hợp để trấn an trẻ…”.
Bên cạnh đó, có trẻ từ trường trở về nhà tỏ ra mệt mỏi, không muốn chơi, không muốn hoạt động vui vẻ như trước đây. Một phần là do chế độ sinh hoạt thay đổi mà cơ thể sinh lý của trẻ chưa thích nghi kịp. Mặt khác đây cũng là một phản ứng bình thường khi trẻ bắt đầu đi học. Trẻ giận lẫy bố mẹ vì đã “bỏ rơi” trẻ ở trường. Trẻ có thể cáu kỉnh, gắt gỏng, ghét người lớn vì nghĩ rằng tất cả người lớn đều không quan tâm trẻ. Một số trường hợp hình thành những thói quen mới như dễ khóc, thích mút tay, sợ tiếng đóng cửa, sợ ma… và nảy sinh hiện tượng co cụm mình lại, lầm lì ít nói, không muốn giao tiếp… Vậy làm sao giúp trẻ vượt qua “chướng ngại vật” tâm lý để thích nghi với môi trường học tập?
“Phụ huynh cần phải kiên nhẫn, không nên vì xót con mà cho trẻ ở nhà. Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không thay đổi trường, lớp cho con. Điều đó càng khiến trẻ phải chịu áp lực thay đổi môi trường, điều kiện sống nhiều hơn, trẻ càng sợ đi học. Phụ huynh phải tích cực hỗ trợ giáo viên làm quen với trẻ. Đồng thời, ở nhà cũng nên xây dựng nề nếp sinh hoạt như ở trường để giúp trẻ dễ dàng quen và thích nghi với môi trường mới. Quan tâm và thường xuyên thể hiện tình cảm khi trẻ đi học về, giúp trẻ tin tưởng và yên tâm rằng trẻ vẫn được thương yêu, chăm sóc như trước đây…”, ThS. Thanh Hà khuyên.
Bài, ảnh: Kim Anh
“Tất cả những phản ứng tâm lý tiêu cực khi trẻ mới bắt đầu đi học sẽ hết khi trẻ đã thích nghi với trường học. Vì vậy, phụ huynh không nên nôn nóng mà phải tìm cách tác động, giải thích cho trẻ hiểu rằng việc đến trường là niềm vui, là điều tốt cho trẻ, cho bố mẹ”. |
Bình luận (0)