Xinh gái, đẹp trai, giàu có, một chút thành tích trong lĩnh vực nào đó, giới trẻ đã cho rằng mình là người “ai cũng phải ngước nhìn”
Được nhiều người chú ý, ngưỡng mộ là mơ ước của không ít bạn trẻ. Vì thế, để thực hiện được điều đó, các chàng trai, cô gái không tiếc công, tiếc của để biến mình thành một nhân vật quan trọng.
Đưa mình lên mây
Có nhiều bài thơ đăng báo từ khi còn học cấp 3, đến khi đỗ vào Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, T. Vân không ngừng bộc lộ khả năng. Cô xuất hiện trên nội san của trường như một gương mặt mới, thơ đăng rải rác ở một số tờ báo nhỏ… Đột nhiên, cô bỏ nguyên một học kỳ để ở nhà… làm thơ in sách! Sau đó, T. Vân xuất hiện, ai hỏi cô cũng bảo: “Mình bây giờ bận lắm, vì cộng tác với… 17 tờ báo!”. Quả thực, những người trẻ bây giờ có rất nhiều trường hợp “tài không đợi tuổi”, hoặc họ có những thành công nhất định trong lĩnh vực nào đó. Nhưng lời nói phải đi đôi với hành động, không ai tự dưng một bước mà phóng lên mây.
Nhiều người trẻ có suy nghĩ “mình phải tạo một điều gì đó thật khác biệt, không thể đánh đồng với người khác. Vậy mới “nổi”! L. Minh, đang là sinh viên khoa văn hóa du lịch của một trường cao đẳng tại TPHCM, được các tạp chí tuổi teen mời làm người mẫu bìa vài lần, từ đó, đi đâu L. Minh cũng mang bộ mặt lạnh lùng, kiêu kỳ cho ra dáng “mẫu”. Cô ít nói, tự vạch ra một khoảng cách nhất định với người khác vì tự cho mình là “người của công chúng nên không được sơ suất điều gì cả”. L. Minh đâu biết rằng vẻ hồn nhiên, xinh tươi, trẻ trung trước kia đã được thay thế bằng vẻ già dặn vốn không hợp với tuổi cô.
Thích thể hiện mình, thích mình là trung tâm của vũ trụ là tâm lý thường gặp của hầu hết tuổi mới lớn. Cộng thêm những mơ mộng cùng sự ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa mới mẻ, xô bồ trong và ngoài nước đã thúc đẩy các bạn trẻ muốn khẳng định mình sớm. Họ chưa đủ khôn ngoan để ý thức được chỗ đứng của mình nên đôi khi chỉ sở hữu vài tài lẻ đã ngỡ mình là “thiên tài”. Như anh chàng M. Tánh, quê ở Long An, dù không vào đại học, nhưng với duyên ăn nói ngay từ những năm cấp 3, M. Tánh thường được mời làm MC cho các chương trình nhỏ ở tỉnh nhà. Mon men lên TP học được vài chiêu “ảo thuật” nhỏ, anh càng ngày càng làm giá với các nhà tổ chức chương trình, bởi “đố tìm được MC nào biết thu hút khán giả nhờ các trò ảo thuật như mình!”.
Vén màn ảo tưởng
Có lẽ, những người trẻ chưa nhận thức được rằng sống trong sự ảo tưởng về bản thân, không sớm thì muộn, sau một thời gian cố “bơi” cho đến cái ngưỡng của mình vạch ra, các bạn cũng sẽ đuối sức và nhận những bài học quý giá. M. Tánh, đến giờ vẫn nhớ như in lần bị bể mánh khi diễn trò ảo thuật trong một chương trình khá lớn của tỉnh. Chàng trổ tài đâm viết xuyên qua tiền, không hiểu sao đâm rách luôn 100 USD của người khách trước cặp mắt hàng trăm khán giả. Ai đó nói rằng “tự tin là đã nắm chắc trong tay một nửa thành công”, tuy vậy kiểu tự tin thái quá, cố tình không chấp nhận khả năng thật sự của mình thì chuyện gặp rắc rối là điều dễ hiểu.
Chính các bạn chứ không ai khác đã làm xáo trộn cuộc sống của bản thân, đã tự tạo cho mình một vỏ bọc hào nhoáng. Có thể, khi bạn khác lạ, bạn nổi bật ở một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ được nhiều người chú ý. Và sự chú ý đó sẽ mang tính tò mò, soi mói nhiều hơn sự ngưỡng mộ nếu bạn không thật sự có tài năng và một lối sống đẹp. Như trường hợp của T. Vân, bạn bè ai cũng tiếc cho hình ảnh của một cô bé mê thơ, ham viết. Nếu cô nhận ra thơ của mình chỉ mới là những viên gạch đầu tiên, thì đâu đến nỗi phải lâm vào cảnh “đi gõ cửa từng nhà xuất bản xin in thơ mà không ai nhận”. Hay khi bạn bè hỏi bài viết cho các báo thì cô ấm a ấm ớ đánh trống lảng vì thực ra, cô chỉ cộng tác cho đúng một tờ báo địa phương.
Theo Netlife
Bình luận (0)