Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hội chứng yoyo tốt hay xấu?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiểu học đang biểu diễn yoyo trước cửa hàng đồ chơi Funnyland (ảnh chụp chiều 19-2)
Sau Tết Tân Mão ở các trường học rất nhiều học sinh mê mẩn với trò chơi yoyo. Yoyo cũng được bày bán tại rất nhiều nơi từ hàng rong ngoài cổng trường, các tiệm bán đồ chơi lớn nhỏ, siêu thị, chợ… đến cả căng tin trong trường.
Với dòng chữ “Lớp huấn luyện kỹ năng biểu diễn yoyo”, trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua, cửa hàng đồ chơi Funnyland (ngã tư Trương Định – Kỳ Đồng, Q.3) đông nghịt người. Các ông bố, bà mẹ đua nhau đưa con tới đây mua yoyo. Và trước cửa hàng, rất nhiều cậu bé là học sinh tiểu học say mê biểu diễn yoyo…
Sắm yoyo theo trào lưu
Theo khảo sát của tôi, giá bán một cái yoyo từ 10 ngàn đồng đến trên 250 ngàn đồng. Giá cả tuy khác nhau một trời một vực như vậy nhưng theo nhận xét của chị Bình – phụ huynh một học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 là: “chất lượng ngang nhau”.
Chiều 21-2, sau giờ tan học, chiếc xe đẩy bán hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Kỳ Đồng được hàng chục phụ huynh và học sinh vây quanh. Cặp phụ huynh – học sinh này mua xong và ra đi thì cặp phụ huynh – học sinh khác lại tới. Chị Bình và cậu con trai của mình là một trong số đó. Sau khi hỏi giá tất cả các loại yoyo ở đây, chị quyết định mua cho con hai cái – một cái giá 25 ngàn đồng và một cái giá 10 ngàn đồng. Chị nói: “Hôm thứ bảy mua cho hai anh em nó một cái tại cửa hàng Funnyland giá 195 ngàn đồng. Chơi được một ngày là đứt dây. Bữa nay mua loại rẻ tiền, có hỏng cũng đỡ tiếc”.
Cùng lựa mua yoyo với mẹ con chị Bình là Quốc P. (học sinh lớp 3) và ba của em. Quốc P. cho biết, trong lớp của em hầu như bạn trai nào cũng chơi trò chơi này. “Tụi con chỉ chơi trong giờ ra chơi thôi, chơi trong giờ học là cô giáo tịch thu”, Quốc P. nói. Còn phụ huynh của Quốc P. thì cho rằng mình mua yoyo cho con vì thấy các bạn của con từ ở trường cho đến ở khu phố, đứa nào cũng có.
Khoảng 5 giờ chiều 21-2, trước cổng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình, trong lúc chờ phụ huynh tới rước, hai cậu bé Hoàng T. và Nguyên L. cùng biểu diễn yoyo. Yoyo của Hoàng T. dừng lại trước, Nguyên L. reo lên: “Bạn thua rồi”. Cả hai cậu bé cho biết, trước Tết, trong trường lác đác vài bạn có yoyo nhưng sau Tết thì rất nhiều.
Cô Yến – một giáo viên tiểu học ở Q.Gò Vấp cũng cho biết: “Nhiều học sinh trong lớp tôi và cả trong trường “nghiện” yoyo. Giờ ra chơi, sân trường có hàng chục em biểu diễn trò này. Riêng lớp tôi, trong giờ học, một số em lấy yoyo ra khoe coi yoyo của ai đẹp hơn. Có bữa tôi tịch thu được 4-5 cái…”.
Cần định hướng cho trẻ
So với các trò chơi như súng, dao và nhiều trò chơi khác đang được bày bán công khai hoặc lén lút trên thị trường thì yoyo không phải là trò chơi bạo lực. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, yoyo giúp học sinh luyện tay. Đặc biệt, thay vì để học sinh “ngồi đồng” hàng tiếng đồng hồ ở các tiệm internet với những game đâm chém và giết người dã man thì để các em say sưa với trò chơi yoyo có ích hơn nhiều. Tuy nhiên, trò chơi nào cũng vậy, cần phải có sự định hướng của người lớn…
Chị Bình kể lại, một số học sinh thi yoyo với nhau và vô tình đập yoyo vào đầu bạn gây chảy máu. Không chỉ có vậy, tất cả các loại yoyo rẻ tiền được bày bán tại các cổng trường đều là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Ai dám đảm bảo những chiếc yoyo này không được làm từ thứ nhựa độc hại mà rất nhiều trò chơi có made in China “dính”.
Riêng những chiếc yoyo có giá từ 95 ngàn đồng trở lên là hàng ngoại nhập và có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Những nhãn phụ này khuyến cáo trẻ dưới 8 tuổi không được chơi. Mặc khuyến cáo của nhà sản xuất, nhiều phụ huynh có con dưới 8 tuổi, thậm chí mới 5 tuổi vẫn phớt lờ và chiều theo ý con.
Có thể nói, yoyo đã trở thành hội chứng trong sân trường, không trường nào là không có học sinh chơi trò này dù ít hay nhiều. Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 khẳng định: “Giờ ra chơi tôi thường rảo quanh các khu vực học sinh chơi, do vậy tôi biết yoyo xuất hiện ở trường từ nhiều tuần nay. Tuy không nhiều như ở những trường khác nhưng cũng có gần 10 em chơi. Mỗi khi các em vung chiếc yoyo lên, tôi đều phải nhắc nhở: “Các con chơi cẩn thận, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho bạn”. Thật ra, trò chơi yoyo không nguy hiểm bằng những trò chơi khác nên không thể cấm học sinh. Điều quan trọng là định hướng cho các em để tránh những tai nạn có thể xảy ra…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)