Học sinh tự tử khi không kiểm soát được lý trí của mình (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Khi đã hiện hữu trong cuộc đời, bất cứ người nào cũng khao khát được sống, được vươn lên và hoàn thiện chính bản thân mình. Nhưng đôi khi gặp trắc trở trong đời sống tâm lý và những biến cố cuộc đời thì sự khao khát được sống của con người bị cắt ngang.
Sự cắt ngang ấy luôn để lại những nỗi đau vô hình cho các bậc sinh thành và những người thân bên cạnh. Rời xa cuộc đời bằng giải pháp tự tử là sự lựa chọn nhằm cắt ngang cuộc đời mà không ít học sinh đã lựa chọn trong thời gian qua.
Cơ chế tự vệ: Tích cực và tiêu cực
Những việc, hiện tượng xảy ra hàng ngày, con người thường xử lý theo một trật tự nhất định của quán tính tâm lý cũng như kinh nghiệm được tích lũy từ sự giáo dục, sự dạy dỗ của người lớn. Nhưng đến khi con người không đồng tình với những tác động, khi sự tác động ấy vượt quá khả năng của sự kiểm soát tâm lý thì cơ chế tự vệ sẽ phát sinh. Cơ chế tự vệ tâm lý là hệ thống điều chỉnh đặc biệt để ổn định nhân cách, hướng đến việc làm giảm hoặc dẫn đến mức thấp nhất tình trạng lo âu, liên quan đến xung đột nội tâm. Có nhiều hình thức tự vệ khác nhau, đó có thể là kiềm chế những lo lắng lại, che giấu không để lộ ra ngoài hoặc chuyển cảm xúc của mình lên người khác như: Tâm sự với người khác, không chấp nhận những lo lắng sợ hãi đang tồn tại trong bản thân, chuyển cảm xúc tiêu cực thành hành động, chuyển cảm xúc lo âu thành sự hung dữ… Ở mức độ nào đó, cơ chế tự vệ đem lại tác động tích cực, giúp con người điều chỉnh và giữ thăng bằng cho đời sống tinh thần. Tuy nhiên, lại có những hình thức tự vệ hoàn toàn mang tính tiêu cực và tự tử là một hình thức rất tiêu cực của một số bạn trẻ.
Ở học sinh, lứa tuổi đang trưởng thành, những suy nghĩ còn mong manh, kinh nghiệm và kỹ năng sống còn rất hạn hẹp. Các suy nghĩ sai lệch dễ dàng đẩy các em đến hình thức tự vệ tiêu cực. Ở mức độ nhẹ, chỉ là hành vi đi ngược lại với những mong mỏi và nguyện vọng của người lớn, trốn tránh thực tại bằng việc bất cần với cuộc sống. Mức độ cao nhất là hành hạ bản thân, suy nghĩ về cái chết và có thể thực hiện hành vi tự tử. Hình thức tự vệ tiêu cực xem như là tận cùng của sự bế tắc đó chính là cách tự tử mà một số bạn trẻ nghĩ tới rồi hiện thực hóa thông qua một số trường hợp tự tử ở học sinh gây ra sự xôn xao, đau lòng của xã hội trong thời gian gần đây.
Không kiểm soát được lý trí
Điều này gióng lên những hồi chuông phản ứng ở một số bạn trẻ rằng “Tôi không đồng ý, tôi rất khổ sở, tôi thấy lạc lõng, tôi không còn niềm tin, tôi không thiết sống, tôi chẳng thấy niềm vui gì để sống”. Vì thế, các bạn trốn tránh thực tại, trốn tránh ngay cả những người thân thương của họ, họ muốn chui vào trong một cái vỏ ốc, thế giới của riêng họ. Đến một giới hạn nhất định, khi tất cả sự dồn nén hay chuyển dịch cảm xúc không còn tác dụng, dẫn đến sự tuyệt vọng và tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Mẹ chửi mắng nặng lời cũng tự tử, cha dồn ép bằng những quyết định mang tính áp đặt cũng tự tử. Thất bại trong việc học cũng chết, bạn bè buồn lây cũng chết… Quyết định đến với cái chết xem chừng nhẹ tênh và thiếu hẳn sự cân nhắc hay tiếc nuối? Đặc điểm tâm lý lứa tuổi khiến những hành vi của các em giai đoạn vị thành niên thường bộc phát nhanh theo cảm xúc, ít được rà soát kỹ càng về mặt lý trí nhưng không phải vì thế mà các em có các hành vi nông nổi. Khi tâm lý không còn sức đề kháng bởi áp lực học hành căng thẳng, sự kỳ vọng của gia đình, sự thiếu vắng quan tâm, yêu thương, chăm sóc, mất niềm tin vào ba mẹ và hạnh phúc gia đình trở nên mong manh. Những yếu tố ấy hòa trộn vào nhau, đan xen khi mà chính bản thân người lớn đôi lúc cũng không thể vượt qua nổi một trong những sức ép ấy thì làm sao học sinh – lứa tuổi thiếu sự kiểm soát, thiếu kỹ năng đương đầu không hình thành cơ chế tự vệ được chứ?
Mỗi đứa con được sinh ra đời luôn hòa trộn vào những kỳ vọng của cha mẹ như con sẽ thành đạt, nổi tiếng, con sẽ tài giỏi, con sẽ xinh đẹp… Nhưng kỳ vọng lớn nhất có phải là con sẽ hạnh phúc với chính cuộc sống của con? Thế mà đôi lúc phụ huynh lại nhầm lẫn, đồng nhất giữa hạnh phúc của mình và hạnh phúc của con, quên mất con đang cần gì, mong muốn gì cho chính cuộc sống của mình. Dẫu biết đến một giai đoạn chuyển giao giữa trẻ con và người lớn, con sẽ xuất hiện một số phản ứng tiêu cực nhưng không gì tốt hơn là hãy lắng nghe con, điều chỉnh những kỳ vọng, đồng cảm, chia sẻ cùng con. Nếu thật sự yêu thương con, phụ huynh cần giúp con biết cách đi đến cánh cửa hạnh phúc, biết cách tìm ra hạnh phúc theo cảm nhận của con, mong ước của con chứ không phải theo cách đánh giá của người lớn.
Cuộc sống luôn là sự tương tác hai chiều, ba mẹ thường kỳ vọng rất nhiều vào con cái và con cái cũng mong muốn rất nhiều ở cha mẹ. Hãy cho con một cuộc sống đúng nghĩa, hãy thực sự đứng về phía trẻ chứ đừng chỉ nghĩ là chiều ý của trẻ, chấp nhận bản thân con, cho con thứ con cần, đừng cho con điều cha mẹ muốn. Điều quan trọng vẫn là yêu thương, quan tâm, cho con sự an toàn và sự tôn trọng…
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Bình luận (0)