Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận trong năm 2022, Công ty TNHH British Council (Việt Nam) – tức Hội Đồng Anh (Việt Nam) đã cấp sai quy định hơn 90.000 chứng chỉ tiếng Anh bao gồm cả IELTS và Aptis.
Ảnh minh họa từ Internet
Cụ thể, theo kết luận thanh tra Bộ GD-ĐT, từ ngày 1-1 đến ngày 9-9-2022, Công ty TNHH British Council (Việt Nam) chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Nghị định 86 (của Chính phủ) nhưng đã thực hiện liên kết tổ chức thi và cấp 31.871 chứng chỉ tiếng Anh Aptis; cấp 33.196 chứng chỉ IELTS trên giấy và 11.149 chứng chỉ IELTS trên máy tính.
Cũng trong năm 2022, từ ngày 10-9 đến ngày 10-11, công ty này đã thực hiện liên kết tổ chức thi, cấp 6.046 chứng chỉ Aptis và từ ngày 10-9 đến ngày 17-11 đã liên kết tổ chức thi, cấp 8.219 chứng chỉ IELTS khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, tổng hai giai đoạn, Hội đồng Anh đã cấp sai phép 90.481 chứng chỉ tiếng Anh, trong đó có 52.564 chứng chỉ IELTS.
Với sai phạm trên, thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Công ty TNHH British Council (Việt Nam) rà soát, báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
GD-ĐT cho hay, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi. |
Đồng thời, rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam của công ty này; thực hiện đúng quyết định cho phép của Bộ GD-ĐT, quy định tại Nghị định 86…
Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao Cục Quản lý chất lượng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có).
Trước đó, vào ngày 9-5, Bộ GD-ĐT đã thông tin cho biết, trước thời điểm được Bộ cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, một số đơn vị đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ, Thông tư số 11 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD-ĐT, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.
Mê Tâm
Bình luận (0)