Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hội đồng văn học dịch ra đời – một vấn đề cấp thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 8-4, Hội Nhà văn TP.HCM đã diễn ra buổi “Lễ ra mắt Hội đồng Văn học dịch”. Buổi lễ ra mắt được tổ chức với quy mô không lớn nhưng là một dịp đặc biệt quan trọng và kịp thời trong bối cảnh văn học hội nhập hiện nay. Buổi lễ với sự tham gia của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, NSƯT Thanh Thúy, bà Đinh Phương Thảo – Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ – Nguyễn Thành Nam… cùng sự có mặt của một số thành viên HỘI nhà văn, đặc biệt là sự có mặt của 3 thành viên hội đồng văn học dịch: dịch giả Hiền Nguyễn (Chủ tịch Hội đồng), dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Phó Chủ tịch Hội đồng) và dịch giả Dương Kim Thoa.


NSƯT Thanh Thúy phát biểu tại buổi lễ ra mắt

Có thể nói, các tác phẩm văn học nước ngoài kinh điển hay các các tác phẩm văn học đoạt giải Nobel đã xuất hiện và được dịch sang tiếng Việt ở Việt Nam từ rất lâu. Nhiều tác phẩm nổi bật của văn học Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật… được người Việt Nam đón nhận hết sức nhiệt tình, nhưng ngược lại, việc giới thiệu và dịch các tác phẩm có giá trị của Việt Nam đến tay bạn bè quốc tế thì chưa được phổ biến. Chính vì vậy, trong quá trình đổi mới và hội nhập với thế giới, việc đưa các tác phẩm văn học Việt Nam giới thiệu và dịch sang nhiều ngôn ngữ khác ngày càng được quan tâm và chú trọng, tuy nhiên việc dịch các tác phẩm Việt Nam sang các ngôn ngữ khác còn rất hạn chế. Giống như nhà văn Bích Ngân đã chia sẻ trong buổi ra mắt rằng: “Việc chuyển ngữ từ văn học Tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác, ngay cả các ngôn ngữ thịnh hành như Anh, Pháp, Hoa… thì hết sức khó khăn, con số tác phẩm văn học được giới thiệu ra nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết do các tổ chức tư nhân, trường đại học và các nhà xuất bản nước ngoài và vì vậy, việc giao lưu văn hoá – đặc biệt là văn hoá đọc là một thiệt thòi không nhỏ không chỉ cho những người sáng tạo văn chương. Chính vì vậy, việc thành lập văn học dịch của Hội nhà văn TP.HCM thực ra chỉ là một hoạt động bình thường của hội nghề nghiệp lại trở thành sự kiện đáng quan tâm được sự trợ lực của nhiều cá nhân, đơn vị và các ngành, các cấp có liên quan để mong văn học dịch – đặc biệt là những dịp giới thiệu tác phẩm văn chương có giá trị của TP.HCM, của Việt Nam đến với độc giả thế giới.”

Cần xem xét vấn đề tiếp cận các tác phẩm Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn hóa nghệ thuật TP.HCM, có 2 vấn đề xoay quanh câu chuyện sách dịch và dịch sách như sau: Thứ nhất, “Sách phát hành Fahasa tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ thì trước đây, tủ sách văn học nước ngoài và tủ sách văn học Việt Nam ngang ngửa về số lượng và quy mô thì hôm nay, toàn bộ gian văn học gồm có 4 cái quầy, 4 cái giá thì bây giờ dành hết cho văn học nước ngoài thôi, và văn học Việt Nam nằm nép sang một bên kia cạnh các sách ngôn tình của Trung Quốc… Sách của chị Nguyễn Ngọc Tư và chú Sơn Nam lại không có, còn sách của Nguyễn Nhật Ánh thì được dồn về một phía gọi là sách hot. Đây là cái hiện tượng nên xem xét lại”. Thứ hai, “Một số quyển sách hay của Việt Nam lại được xuất bản ở nước ngoài khiến ta phải biên tập “ngược” và đi đường vòng: quyển sách Tình yêu sau chiến tranh (Love After War) là quyển sách cực kỳ hay được xuất bản năm 2004 mà lại từ tiếng Việt dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ và giờ ta phải mua bản quyền từ Mỹ để biên tập lại quyển sách này. Tôi cho rằng, đây là một đường đi rất lòng vòng…”  Ông Nguyễn Trường Lưu bày tỏ. Có thể thấy, ông rất coi trọng buổi lễ ra mắt này và kỳ vọng Hội đồng Văn học dịch của Hội nhà văn TP.HCM sẽ tạo nên nhiều cơ hội cho văn học Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển trên trường quốc tế. Đây là sự mong mỏi không chỉ của riêng ông Nguyễn Trường Lưu mà còn là nỗi canh cánh của những người yêu mến văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung.


Ông Nguyễn Trường Lưu chia sẻ về vấn đề sách dịch ở Việt Nam

Tiếp nối những lời phát biểu của ông Nguyễn Trường Lưu, NSƯT Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao TP.HCM cũng có đôi lời nhắn nhủ với Hội đồng Văn học dịch: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ mới của Hội nhà văn, chúng ta đã triển khai công việc này thì tôi nghĩ nó đã đi vào điểm nóng, điểm cốt lõi để thấy được vai trò của văn học dịch trong đời sống văn chương của TP.HCM nói riêng và của cả nước nói chung. Trong thị trường dịch thuật hiện tại thì mỗi một ngày, chúng ta tiếp cận được rất nhiều những tác phẩm đình đám của văn chương thế giới, nhất là các tác phẩm đoạt giải Nobel rất nhanh, tôi thiết nghĩ Hội nhà văn nên tăng cường dịch thuật những tác phẩm văn học hay, giá trị và đồng thời tăng cường công tác ấn phẩm mà ta có thể cho ra đời những tác phẩm có hiệu quả nhất, đưa văn học Việt Nam ra thế giới thông qua các Hội sách trong và ngoài nước…”.

Đôi lời bộc bạch của dịch giả trong Hội đồng Văn học dịch

Đối với những định hướng phát triển cho nền văn học dịch của Việt Nam nói chung, dịch giả Hiền Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch hứa hẹn sẽ có một chuỗi sự kiện dịch văn học  Hàn – Việt văn chương nghệ thuật nhằm đẩy mạnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào khoảng tháng 5 – tháng 8 sắp tới…


Các thành viên trong Hội đồng Văn học dịch chụp hình lưu niệm cùng Hội Nhà văn TP.HCM

Ngoài ra, dịch giả Nguyễn Lệ Chi – Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch chia sẻ: “Nhuận bút dịch của nước ta hiện tại vẫn còn rất rẻ để người dịch sách có thể đam mê theo nghề còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, họ rất cần sự động viên của các cơ quan ban ngành, mong mỏi có sự thừa nhận về vai trò, vị trí, nhất là khi xã hội nước ta có sự giao lưu quốc tế sâu rộng thì vai trò của người dịch nói chung, người dịch sách nói riêng cần phải được khẳng định hơn nữa…”.

Thông qua những đề xuất, sự mong mỏi của các cơ quan ban ngành cùng sự cố gắng, sự quyết tâm của Hội đồng Văn học dịch trong công tác tổ chức, tuyên truyền các hoạt động giao lưu văn học đọc và dịch thuật, chúng ta đều hy vọng rằng nền văn học dịch của Việt Nam nói chung sẽ có những bước tiến mới để đưa những thành tựu văn hoá nghệ thuật có giá trị của nước nhà vươn xa hơn ở thị trường quốc tế.

Hoàng Phương – Hồng Mỹ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)