Qua hè năm 1948, các trường học ở nội, ngoại thành Hà Nội mở cửa trở lại sau hai năm gián đoạn do chiến tranh.
Sáng hôm ấy, một buổi sáng đầu thu man mác làn gió heo may, chúng tôi háo hức cắp cặp đến trường dự lễ khai giảng.
Trường Hoàng Mai là một trường tiểu học hoàn chỉnh, nghĩa là một trường có từ lớp Năm đến lớp Nhất của tổng Hoàng Mai, nhận học sinh của các xã phía đông nam Hà Nội. Trường được xây từ năm 1927 trên một khoảnh đất rộng nằm ở khu vực ngã ba thôn Đông, thôn Đoài và xóm Bến của xã Hoàng Mai cũ. Cổng trường nhìn ra một bãi đất rộng, bỏ hoang, gọi là “Mã cả”, nơi chôn cất những người nghèo; xa xa là “Trường bắn”, nơi thực dân Pháp xử bắn những nhà yêu nước, trong đó có lãnh tụ Hoàng Văn Thụ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì vậy, từ ngày Hà Nội được giải phóng, xã Hoàng Mai cũ hợp nhất với hai xã Mai Động và Tương Mai thành xã mới có tên là Hoàng Văn Thụ, nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Trường gồm ba dãy nhà ngói một tầng, xây dựng theo hình chữ “công”: 2 dãy chạy dọc hai bên và một dãy nằm ngang ở giữa, mỗi dãy có 2 phòng học rộng có hành lang nối 3 dãy với nhau, có tường hoa và 3 bậc lên xuống ở phía trước. Trước dãy nhà ngang là một sân trường khá rộng với bốn cây bàng sum suê tỏa bóng. Sau dãy nhà ngang là khu “Văn chỉ” gồm 3 chiếc bệ xây cao, có tường sau trên khắc bài vị – nơi thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền của đạo Nho. Xưa, hằng năm, các “quan viên” (những người có phẩm hàm, chức tước của xã) đến đó làm lễ tế để tôn vinh đạo học và khuyến khích việc học của dân làng. Sau Văn chỉ có hàng rào dâm bụt chạy ven con đường phụ vào khu đình, chùa và đền của xã. Cổng sau của trường mở ra lối này.
Trong hai năm chiến tranh, tôi đã học hết chương trình 2 lớp đầu của bậc tiểu học nên năm học này tôi được xếp vào học lớp Ba, lớp của thầy giáo Duyến – một thầy giáo chính quê Hoàng Mai, nổi tiếng là dạy hay và “ác”.
Lớp tôi học ngay ở phòng cuối của dãy nhà dọc bên trái cổng chính, có 2 cửa ra vào lớn phía hành lang và 3 cửa sổ lớn phía sau, có bậc lên xuống đầu hành lang đi thẳng ra cổng sau của trường. Trong phòng, trên tường hồi gắn chiếc bảng to mới sơn bóng loáng, dưới bảng là cái bục gỗ, góc phải kê bộ bàn ghế nhỏ của thầy giáo. Phía dưới là 2 dãy bàn ghế bằng gỗ lim kê thẳng tắp, mỗi dãy có 5 bộ. Mỗi bàn có 4 học sinh, ứng với 4 cái ngăn bàn để cặp và 4 cái gút-đê đựng mực tím lắp vào 4 cái lỗ được khoét trên bàn, giữ cho mực khỏi đổ.
Thầy Duyến có dáng người đậm và thấp, tiếng nói sang sảng. Học thầy, tôi mới thấy lời đồn đại về thầy quả không ngoa. Bài giảng của thầy rất ngắn gọn và dễ hiểu, với giọng lên bổng xuống trầm rất hấp dẫn. Còn “ác” của thầy thì cũng có, nhưng là cái ác cần thiết để làm việc thiện: rèn cho trò học giỏi. Chẳng hạn, trước khi vào tiết tập viết, thầy đi từng bàn để kiểm tra ngòi bút “rông” – thứ ngòi bút nét to chuyên dùng để viết tập. Bất hạnh cho trò nào hôm đó quên. Thay cho quản bút đã lắp ngòi “rông”, trò đó phải đưa cái quản bút không ngòi, kèm theo là xòe bàn tay trái ra đặt trên bàn. Thầy cầm lấy ba ngón tay giữa của trò, giáng cho một thước kẻ vào lòng bàn tay và một câu nhắc “Quên này”! Rồi thầy móc túi áo ra một cái hộp sắt tây nhỏ – loại hộp đựng sáu viên trứng nhện “Kamin”, một loại thuốc chữa cảm cúm thông dụng thời đó. Thầy mở hộp lấy ra một cái ngòi bút rông đưa cho thằng học trò khốn khổ của thầy mượn. Hết tiết, trò phải rửa sạch, lau khô ngòi bút, rồi đem trả cho thầy.
Tôi có hai kỷ niệm không quên trong năm học thầy Duyến.
Một là tôi được thầy khen về bài luận. Dịp ấy, sau Tết Kỷ Hợi – 1949, anh tôi cho tôi đi xem hội hoa đăng ở bên Hồ Gươm. Ít lâu sau, thầy cho đầu bài luận: “Tường thuật một lễ hội mà trò đã được dự”. Tôi đã kể lại đêm hội hoa đăng đó và được thầy cho điểm 9. Thầy đã khen tôi sau khi đọc bài luận cho cả lớp nghe.
Hai là chuyện cái mũ.
Trong đêm hội trên, anh tôi mua cho tôi một cái mũ. Hôm sau, tôi đội mũ đó đi học. Vào lớp, trò phải đặt tập trung mũ lên bệ cửa sổ. Vì mới đội lần đầu nên khi tan học, tôi quên khuấy cái mũ. Đi khỏi trường được một đoạn, tôi mới sực nhớ ra và vội chạy trở lại. Vừa lên hết bậc hành lang đầu lớp, tôi đã thấy thầy Duyến đang đi trên hành lang, tay trái cầm chiếc mũ của tôi. Thấy tôi, thầy hỏi luôn:
– Quên mũ hả?
Tôi vừa lí nhí trả lời “Vâng ạ” thì bốp, một cái tát đã in lên má tôi, kèm theo một câu mắng:
– Đi học, có cái mũ cũng bỏ quên!
Rồi thầy đưa cái mũ cho tôi. Tôi cầm lấy mũ, chào thầy ra về và cứ ấm ức mãi về cái tát duy nhất trong quãng đời học sinh của tôi. Về nhà, tôi cất cái mũ lên mắc áo và từ đấy không đội mũ nữa.
Hết năm học 1948-1949, tôi được xếp thứ 14 trên 45 học sinh của lớp Ba với hàng chữ phê học bạ rất đẹp của thầy Duyến: “học khá, ngoan nhưng còn rụt rè”. Hôm bố tôi đưa tôi lên thăm và cảm ơn thầy Duyến, thầy xoa đầu tôi và nói:
– Cháu nó ngoan và học khá, nhưng chậm và cũng bướng bỉnh. Tôi đã để ý: từ hôm tôi đánh cháu một cái tát về tội nó bỏ quên cái mũ, tôi không thấy cháu đội mũ nữa.
Tôi thật không ngờ lại có một thầy giáo tận tâm với nghề như vậy. Chuyện cái mũ tôi đã quên từ lâu, vậy mà thầy vẫn nhớ!
Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Trường Tiểu học Hoàng Mai, tôi viết đoạn hồi ký này để hồi tưởng mái trường xưa. Đây là những nén tâm nhang tưởng nhớ các thầy giáo của trường hồi đó, nay đã đi xa: Thầy Mẫn “già” dạy lớp Năm, thầy Môn dạy lớp Tư, thầy Duyến dạy lớp Ba, thầy Kim – hiệu trưởng, dạy lớp Nhì và thầy Mẫn “trẻ” dạy lớp Nhất.n
Nguyễn Kim Hoạt (Đống Đa – Hà Nội)
Bình luận (0)