Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hồi Lạng Sơn được mùa lớn nhưng rớt giá

Tạp Chí Giáo Dục

Huyện Văn Quan là “vựa” hồi lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, với gần 10.000 ha, sản lượng trung bình khoảng 6.000 tấn, mỗi năm thu từ cây hồi 180 tỷ đồng. Mùa hồi năm nay được mùa nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng giá bán hồi lại xuống quá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân khi cây hồi được coi là cây chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo của bà con các dân tộc nơi đây.
Vào Văn Quan thời điểm này đang là thời gian thu hoạch hồi chính vụ (kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm) rất dễ dàng nhận thấy hồi được phơi khắp nơi từ trong nhà đến ngoài sân, cả ở ven đường… Theo ước tính của ngành nông nghiệp thì vụ hồi năm nay đạt sản lượng cao nhất so với những năm qua (trung bình đạt hơn 1 tấn hồi tươi/ha). Những xã có sản lượng hồi đạt từ 300 đến 500 tấn và có chất lượng tốt như Yên Phúc, Vân Mộng, Tân Đoàn…
Tuy với sản lượng cũng như chất lượng đạt cao, nhưng giá hồi năm nay lại “tụt” xuống chỉ bằng khoảng 1/3 so với những năm trước. Anh Hoàng Văn Tuấn, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Nếu giá hồi của những năm trước đây khoảng từ 20.000 -30.000 đồng/kg hồi tươi thì năm nay chỉ ở mức giá 6.000 – 7.000 đồng/kg.
Ông Nông Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Nguyên nhân của giá hồi thấp là do hiện nay việc tiêu thụ hồi chủ yếu do các tư thương thu mua xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Chỉ có một số ít là được đưa về các tỉnh để xuất khẩu sang các nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch hồi đúng vào dịp có 2 cơn bão (số 4 và số 5), người dân không thể phơi được hồi nên thu hoạch được bao nhiêu buộc phải “bán tống bán tháo” hết, trong khi đó hồi được mùa với số lượng lớn nên giá hồi càng rớt mạnh.
Thời gian qua, huyện Văn Quan đã đầu tư 2 lò chưng cất tinh dầu hồi tại xã Yên Phúc, mỗi lò có công suất chưng cất 3 tấn tinh dầu hồi/năm và đang tiếp tục đầu tư thêm 1 lò chưng cất tinh dầu hồi mới có công suất 4 tấn/năm, nhưng với số lượng lò chưng cất như vậy mới chỉ đáp ứng được chưa đến 10% so với sản lượng hồi của toàn huyện.
Để cây hồi mang lại hiệu quả kinh tế cao thì các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn cần tích cực tập huấn cho người dân về cách bảo quản hồi để hồi luôn giữ được chất lượng tốt; đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ hồi và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối đứng ra thu mua hồi ở nhiều hình thức; có như vậy, “đầu ra” của hoa hồi mới ổn định, tránh được vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá.

Thắng Trung

Theo báo Tin Tức

Bình luận (0)