Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hội nghị chuyên đề giải pháp đẩy mạnh thực hiện xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 27-6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phối hợp Sở TN-MT và Công an TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về giải pháp đẩy mạnh thực hiện xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường và xây dựng khu dân cư “Đoàn kết – Nghĩa tình – Tự quản trên địa bàn TP.HCM”.


Quang cảnh hội nghị

Chủ trì hội nghị có ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an TP; bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM.

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, bà Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, để triển khai thực hiện xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường và xây dựng khu dân cư “Đoàn kết – Nghĩa tình – Tự quản”, hệ thống MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền, các phòng, ban và tổ chức thành viên đề ra các nhóm giải pháp như tuyên truyền; khuyến khích, huy động nguồn lực; kiểm tra, giám sát.

Tính đến nay, toàn TP.HCM đã xây dựng và ra quyết định công nhận 1.722 khu dân cư đạt tiêu chí “Khu dân cư sạch, xanh, thân thiện với môi trường”, công nhận 264 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện với môi trường” cấp huyện và 223 khu dân cư “Đoàn kết – Nghĩa tình – Tự quản”. Còn tại Ngày hội Sống xanh năm 2024, UBND TP.HCM đã khen tặng cho 50 khu dân cư và 50 phường, xã, thị trấn có thành tích xuất sắc trong xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường.


Đại biểu Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM phát biêu ý kiến

Thời gian tới, bà Trâm cho biết hệ thống MTTQ các cấp sẽ tăng cường vận động doanh nghiệp, người dân chung tay hỗ trợ, đồng hành cùng xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường. Đồng thời, tiếp tục khắc phục những mặt còn tồn tại như việc đổ rác bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường, miệng cống, kênh rạch…; các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường; tình trạng người dân cảm thấy bất an trước các thủ đoạn lừa đảo tài sản ngày càng tinh vi, nguy hiểm do lộ lọt thông tin cá nhân…

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã trình bày tham luận về những giải pháp hay, lành mạnh thực hiện xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường và xây dựng khu dân cư “Đoàn kết – Nghĩa tình – Tự quản”.

Thượng tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Công an Q.7 trình bày tham luận “Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng khu dân cư “An toàn về an ninh trật tự” gắn với xây dựng khu dân cư Đoàn kết – Nghĩa tình – Tự quản trên địa bàn Q.7”; ông Nguyễn Tấn Lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN Q.4 trình bày tham luận về “Giải pháp, kết quả, kinh nghiệm trong xây dựng khu dân cư sạch, xanh, thân thiện môi trường và khu dân cư đoàn kết, nghĩa tình, tự quản trên địa bàn Q.4”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM chia sẻ, muốn môi trường xanh – sạch – đẹp thì phải bắt đầu từ ý thức của người dân.


Đại biểu Võ Văn Thiện, Trưởng ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ

“Học trò đi học được dạy rằng phải bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng người lớn ở ngoài đường thì xả rác, chỗ nào cấm tiểu thì được tiểu. Người lớn làm gương nhưng chưa nêu gương, điểm này phải xử phạt người vi phạm thật nặng”, ông Hải nói

Bên cạnh đó, ông Hải còn băn khoăn việc sau khi luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời, việc hút thuốc không đúng nơi quy định và vứt tàn thuốc bừa bãi chưa ai bị xử phạt. Theo ông Hải, ai cũng nghĩ cái lỗi này bình thường quá, không gây hại đến ai nên chưa xử lý nghiêm.

“Về vấn đề vẽ bậy ở các công trình công cộng, nhà dân thì công tác ghi nhận và xử phạt tại TP.HCM làm rất tốt. Còn tại Q.8, tôi nhớ thời gian trước có công ty dịch vụ công ích được trả tiền để vớt rác trên sông. Vớt thì cứ vớt còn người dân xả xuống sông thì cứ xả, việc này không hiệu quả”, ông Hải nhận định.

Ông Hải đề xuất cần đầu tư hiệu quả về máy hút rác hoặc máy vớt rác. “Theo tôi, việc phân loại rác tại nguồn hiện chưa được tuyên truyền hiệu quả, người dân xài pin là rác thải nguy hại nhưng lại bỏ chung vào rác thải sinh hoạt, những người thu gom rác phải moi ra rất cực. Hiện nay hộ gia đình phân loại rác tại nhà là rất hiếm, xung quanh nhà tôi cũng chỉ được 50% nhà biết phân loại, còn lại là bỏ hết vào bao đen để xe thu gom lấy. Vì vậy, quan trọng nhất là làm cách nào để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường”, ông Hải cho biết.

Tương tự, ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ câu chuyện của chính gia đình ông: “Nhà tôi ở trong hẻm, xe thu gom của các công ty công ích không vào được nên phải đăng ký dịch vụ thu gom rác dân sinh. Nhà tôi cũng ý thức phân loại rác ra các túi khác nhau nhưng sáng ra, anh lấy rác lại bỏ chung các túi này vào xe của họ. Chuyện này khiến tôi nghĩ mình phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa gì”.

Theo ông Thiện, việc phân loại rác tại nguồn là việc làm tốt, tỉ lệ nhận thức người dân hiểu việc này rất cao nhưng do cách tổ chức thực hiện chưa hợp lý. Do đó, ông Thiện đề nghị TP.HCM cần có cách để thu gom rác hiệu quả hơn. Chưa kể, kết cấu của các xe thu gom rác cần được thiết kế lại cho phù hợp với việc thu gom và phân loại rác.

Đồng thời, ông Thiện cũng đề xuất có giải pháp thu gom và xử lý rác cồng kềnh tại nhà dân. “Tôi có nghe Q.Phú Nhuận có tổ chức thu gom rác cồng kềnh. Đây là việc làm hay mà Ủy ban MTTQ TP.HCM có thể nhân rộng đến các cấp để thực hiện. Đây là những việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp”, ông Thiện nói.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)