Năm 2020, trình độ tiếng Anh của học sinh phổ thông Việt Nam sẽ tương đương với học sinh các nước phát triển trong khu vực. |
Theo Ban soạn thảo, từ nay đến năm 2020, giáo dục VN phải đạt được các mục tiêu đối với từng bậc học như sau:
Giáo dục mầm non sẽ thực hiện phổ cập giáo dục một năm cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị tốt cho trẻ học lớp 1. Đến năm 2020, có 99% số trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1…
Đối với giáo dục phổ thông, ngành giáo dục đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 99% số trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và THCS. Tất cả học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày vào năm 2020. HS tiểu học được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3 và 70% số này đạt mức độ 1 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế vào năm 2020. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của học sinh phổ thông VN tương đương với HS ở các nước phát triển trong khu vực.
Giáo dục thường xuyên đặt mục tiêu đưa tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% vào năm 2020.
Đặc biệt, với giáo dục đại học (ĐH), sẽ nâng tỉ lệ sinh viên đạt 450/vạn dân vào năm 2020. Mở rộng quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập, phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ sinh viên trong các cơ sở ngoài công lập chiếm 30 -40% tổng số sinh viên cả nước. Đến năm 2020 có khoảng 15.000 sinh viên nước ngoài đăng ký vào học tại các trường ĐH Việt Nam.
Có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp ĐH có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường ĐH hàng đầu trong khối ASEAN, 80% số sinh viên tốt nghiệp được các DN, cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc…
Ban soạn thảo cho biết, trong quá trình biên soạn dự thảo Chiến lược giáo dục VN giai đoạn 2009 – 2020 đã được trình bày và xin ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, các nhóm nghiên cứu về chiến lược, các nhà khoa học giáo dục, nhà giáo lão thành, nhà hoạt động xã hội, các giám đốc sở GDĐT và 107 hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, và TCCN. |
Đặc biệt, bộ coi 2 giải pháp mang tính đột phá là đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đối với giải pháp đổi mới quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết sẽ thực hiện dần việc bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương và các cơ sở giáo dục; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở đào tạo về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự…
Giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đặt ra việc nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu. Năm 2009 bắt đầu thí điểm để tiến tới thực hiện việc hiệu trưởng quyết định mức lương cho từng giáo viên, giảng viên dựa trên kết quả công tác của cá nhân ở các cơ sở giáo dục. Thu hút các nhà khoa học nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm, các trí thức Việt kiều tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại VN…
Bình luận (0)