Chỉ được thể hiện qua những con số thống kê, nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn là vấn đề nhức nhối, bên cạnh những vấn đề khác của ngành giáo dục như học phí, thi cử, ngân sách… được trình bày trong các báo cáo tại hội nghị giao ban các sở GD-ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Diễn ra chỉ trong hai ngày từ 24.11, hội nghị này được tổ chức tại Tiền Giang và TP Cần Thơ có sự tham gia của các sở GD-ĐT của năm thành phố lớn trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.
Vì nghèo và học kém
Thống kê của các sở GD-ĐT cho thấy tỷ lệ học sinh nghỉ học sau hè 2008 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức cao. Ở Cà Mau, tính chung cả ba cấp học, cứ trong 37 học sinh thì có 7 em bỏ học, chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước: 18,67%. Tỷ lệ này ở An giang là 14,34%, Bạc Liêu là 13,23%, Đồng Tháp là 9,12%, Trà Vinh là 9,87%...
Không chỉ ở các tỉnh, mà ngay ở các thành phố lớn, tỷ lệ học sinh nghỉ học vẫn còn đáng kể. Đầu năm học này, TP Hải Phòng có 143 học sinh THPT bỏ học; TP Đà Nẵng có 273 học sinh bỏ học. Ngay như ở TP.HCM, tỷ lệ học sinh bỏ học năm học này là 1,45%.
Đáng chú ý là càng lên các lớp cao, tỷ lệ học sinh nghỉ học càng nhiều. Ở TP Đà Nẵng chẳng hạn, trong số 273 học sinh bỏ học có đến 270 em là học sinh THCS và THPT. Ở TP.HCM, trong khi cấp tiểu học có 237 em bỏ học, cấp THCS có 1.465 em bỏ học, và cấp THPT có đến 1.660 em bỏ học.
Lãnh đạo các sở thừa nhận, mặc dù các địa phương đã nỗ lực vận động học sinh trở lại lớp, nhưng tỷ lệ bỏ học không giảm là bao. Trong các nguyên nhân bỏ học, 45% trường hợp bỏ học vì gia đình khó khăn khiến phụ huynh không tạo điều kiện cho con em học tập, học sinh học yếu nên gia đình cho nghỉ học để đi làm. Nhưng một lý do khác đáng quan tâm không kém là có đến 40% trường hợp bỏ học là do học sinh yếu kém, không theo kịp chương trình.
Trợ cấp chữ nghĩa
Thực tế trên đã cho thấy để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngoài việc chính quyền và ngành giáo dục các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để tác động đến gia đình và bản thân học sinh, cần phải có giải pháp mạnh hơn tác động từ phía Chính phủ, đặc biệt là về kinh tế.
Kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp là một ví dụ. Theo ông Nguyễn Hoàng Nhi, giám đốc sở GD-ĐT tỉnh này, đầu năm học 2008 – 2009, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp ở cấp tiểu học và THCS của tỉnh đạt 96% là nhờ ngành giáo dục chủ động đề nghị UBND tỉnh miễn giảm học phí cho 60.000 hộ cận nghèo, trong khi trước đó con em các hộ cận nghèo thường không được miễn giảm học phí. Tỉnh này cũng đã chuyển 10 trường THCS bán công sang hình thức công lập để giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Ở tỉnh Sóc Trăng, để để vận động học sinh trở lại lớp, chính quyền đã trợ cấp cho mỗi học sinh có hoàn cảnh khó khăn 70.000đ/tháng.
Như Thuần
Theo Sài Gòn tiếp thị
Bình luận (0)