Sự kiện giáo dụcTin tức

Hội nghị giao ban giáo dục Vùng 5: “Nóng” chuyện học sinh… bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 8-12, tại Sở GD-ĐT Bình Dương diễn ra Hội nghị giao ban lần 1 – Vùng thi đua số 5 (gọi tắt là Vùng 5) dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Tại hội nghị, tình trạng học sinh bỏ là học là vấn đề “nóng” được nhiều sở GD-ĐT quan tâm…

Phải kéo giảm tỉ lệ học sinh bỏ học
Hội nghị giao ban Vùng 5 (gồm Sở GD-ĐT các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh) diễn ra trong dịp ngành GD-ĐT các tỉnh sắp bước vào kỳ thi học kỳ 1. Theo báo cáo, tỉ lệ học sinh bỏ học ở năm học 2009-2010 tại các sở thuộc Vùng 5 còn khá cao: Bình Phước: 1,91%; Bình Thuận: 1,99%; Ninh Thuận: 1,61%… Nhìn chung, so với năm học trước, tỉ lệ học sinh bỏ học ở năm học này tại Vùng thi đua số 5 là có giảm. Tuy nhiên, tỉ lệ này so ra vẫn còn cao so với nhiều vùng khác. Ông Nguyễn Văn Hiến – Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng này do học sinh học yếu, không theo kịp chương trình. Ngoài ra, gia đình thuộc thiện nghèo khó, cha mẹ ly hôn, không quan tâm đến việc học của con cũng là nguyên nhân chính. Trong đó, chương trình học nặng khiến học sinh theo không kịp, “sợ học” nên bỏ học. Đồng ý quan điểm này, ông Phan Châu Phi – Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: “Nếu học sinh nào vì lý do nào đó bỏ học một tuần chắc sẽ phải bỏ học vì không theo kịp chương trình. Mặc dù bộ đã có văn bản hướng dẫn nhưng xem ra chương trình học vẫn còn nặng khiến học sinh… sợ học”. Ngoài những nguyên nhân trên, đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho rằng, suy thoái kinh tế cũng dẫn đến tỉ lệ học sinh bỏ học tăng cao. Bởi, khi gặp khó khăn về việc làm, kinh tế, nhiều gia đình chuyển về quê nên con cái họ đành bỏ học theo gia đình.
Nhiều nguyên nhân, giải pháp được đại biểu tham dự hội nghị đưa ra nhằm kéo giảm tình trạng này. Đại diện Vụ Tiểu học cho biết, theo báo cáo, tỉ lệ học sinh yếu là khá nhiều. Đây chính là yếu tố tiềm ẩn việc học sinh bỏ học. Lãnh đạo các sở nên có kế hoạch kéo giảm tình trạng này. Trong phát biểu tổng kết hội nghị, TS. Nguyễn Thị Nghĩa đã nhấn mạnh: “Tuy có giảm so với năm học trước, tuy nhiên, tỉ lệ học sinh bỏ học tại vùng này còn cao, ảnh hưởng đến công cuộc phổ cập giáo dục các bậc học. Yêu cầu lãnh đạo các sở cần phối hợp với các ban ngành địa phương, có kế hoạch kéo giảm tỉ lệ học sinh bỏ học ở bậc tiểu học xuống 0,5%; bậc trung cấp xuống 2% trong năm học tới”.
Dạy trên 200 giờ/ năm học, giáo viên không được thanh toán tiền
Ông Phan Châu Phi – Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tình hình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 17-4-2008 và việc thực hiện chính sách, chế độ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa thống nhất ở các địa phương. Trong đó, bộ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc phân cấp trách nhiệm, quyền hạn. Đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cho rằng, trong quá trình thực hiện chủ đề năm học 2009-2010: Đổi mới quản lý – nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường tại địa phương gặp khó khăn về nhân sự. Cụ thể là nhiều trường thiếu giáo viên. Tuy nhiên, những giáo viên dạy trên 200 giờ/ năm học không được thanh toán tiền đứng lớp những giờ quá quy định này. Vì vậy, nhiều trường càng thiếu giáo viên trầm trọng hơn. Ông Nguyễn Văn Hiến – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận phát biểu xoay quanh vấn đề thi cử, trong đó, ông cho rằng bộ cần có văn bản hướng dẫn sớm hơn về kỳ thi tốt nghiệp THPT để các sở chủ động triển khai. Hơn nữa, bộ cần xem xét, ổn định quy chế thi để lãnh đạo các sở, các trường thuận lợi hơn trong quá trình làm việc. Đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai có kiến nghị liên quan đến việc kiểm tra chéo giữa các sở. Theo đại biểu này, đại diện bộ nên tham gia trong các đoàn kiểm tra chéo giữa các sở để nắm rõ tình hình hơn. Đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường quốc tế và những trường có yếu tố nước ngoài.
Công Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)